Phục hồi chức năng (PHCN) cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng là một chương trình do Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em xây dựng. Chương trình có mục đích đem lại nụ cười và mở ra trang đời mới cho các em.
|
Co - duỗi, nắn - bóp chân tay cho trẻ theo các bài tập chuyên môn đơn giản.
|
* Con sẽ bước đi
Bé H. (13 tuổi, ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) được ba má chở đến Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật dựa vào cộng đồng Cát Hưng - Phù Cát (dưới đây sẽ viết tắt là Trung tâm PHCN Cát Hưng). Cha bị nhiễm chất độc màu da cam nên ngay từ lúc mới sinh, hai chân, hai tay của H. co quắp, chỉ nằm một chỗ. Từ khi có Trung tâm PHCN Cát Hưng (6-2005), mỗi tuần 3 buổi, đều đặn, anh M. và chị T. kiên nhẫn chở con đến đây tập luyện. Giữa năm 2006, bé H. được đưa xuống Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn mổ hai chân, sau đó quay lại Trung tâm PHCN Cát Hưng tiếp tục tập luyện cho đến nay. “Mười phần bệnh tật thì nay cháu đã giảm được 3-4 phần. Nếu được mổ thêm lần nữa là cháu có khả năng đi được”- anh M. nói giọng đầy hy vọng.
Được sự giúp đỡ của má, bé H. đã tập đi những bước đầu tiên, tuy còn rất khó nhọc. Mười mấy năm - chỉ ở nhà để chăm sóc con từ “A tới Z” với những nỗi khổ đau không lời - chị T. nói: “Chân cháu đang to ra nên khi cử động mấy cái nẹp làm cho cháu đau, vợ chồng tui định bụng xuống Quy Nhơn nhờ bác sĩ thay cho cháu cái nẹp mới”- môi chị T. đã nở nụ cười nhưng trên khóe mắt vẫn vương vài giọt lệ.
Bé H.P (sinh năm 1994, ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng) bị liệt bẩm sinh là một trường hợp có tiến triển tốt. Sau khi được Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn mổ chân 2 lần và tiếp tục về Trung tâm PHCN Cát Hưng luyện tập, nay P. đã có thể giữ khung tập đi hay dùng nạng đi chầm chậm được vài phút dưới sự giúp đỡ của người anh. Thể tạng gầy gò, queo quắt như cậu bé 6-7 tuổi, đi được mấy bước P. bắt đầu thờ phì phò. Tôi hỏi P: “Sáng nay, cháu được ăn món gì, nói cô nghe nào?”. P. cười gượng: “Bánh tráng!”. Ông Võ Văn Xáng, Giám đốc Trung tâm PHCN Cát Hưng, đỡ lời: “Gia đình cháu nào cũng khó khăn, không có điều kiện tẩm bổ, bồi dưỡng cho con nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tập luyện, phục hồi của các cháu”.
* Cần được nhân rộng
|
Bé P. đã có thể bước đi dưới sự hỗ trợ của các thiết bị. Ảnh: Q.H |
Ở tỉnh Bình Định hiện có 2 trung tâm PHCN, một ở xã Cát Hưng, và một ở Ân Tường Tây (Hoài Ân). Khi trung tâm này được Công ty Bảo hiểm Prudential hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất (khoảng 100 triệu đồng/trung tâm) và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh và huyện Phù Cát chăm lo phần chi phí quản lý, điều hành và duy trì hoạt động. Đến nay đã có 140 trẻ khuyết tật được tham gia PHCN tại hai trung tâm. Mỗi tháng, trẻ được hỗ trợ từ 50.000 đồng - 100.000 đồng. Mỗi trung tâm có từ 3- 4 cán bộ gồm người quản lý, kỹ thuật viên, hộ lý và 9 - 12 CTV là nhân viên y tế thôn của các xã. Chế độ của trẻ, tiền thù lao cho cán bộ, CTV hàng tháng do Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp hỗ trợ.
Để PHCN cho trẻ khuyết tật, vai trò của cha mẹ trẻ trong việc giúp các cháu luyện tập tại nhà rất lớn. Các kỹ thuật viên và CTV chỉ hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc trẻ và theo dõi việc thực hiện của phụ huynh. Tại Trung tâm PHCN Cát Hưng, phòng tập của các cháu chỉ rộng 42m2. Trong phòng có một vài thiết bị như bàn đạp chân, xe đạp tập, dụng cụ vịn đi... nhưng nhiều cái cũng đã bị “liệt” không sử dụng được. Anh Trần Đình Hân, kỹ thuật viên của Trung tâm cho biết: “Do chưa được trang bị, sửa chữa, bổ sung thêm hàng năm nên thiết bị còn thiếu nhiều. Chế độ bồi dưỡng cho trẻ và cán bộ, CTV trung tâm vẫn còn thấp và chưa được tập huấn nhiều về chuyên môn”.
Theo số liệu của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, trong số 448.527 trẻ em dưới 16 tuổi (33% dân số) có đến 4.990 cháu bị khuyết tật; trong đó 2.500 cháu là nạn nhân của chất độc màu da cam... Phần lớn những đứa trẻ này đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, sống ở nông thôn, trở ngại về đi lại, xa vùng trung tâm nên việc phát hiện sớm để can thiệp sớm hay có khả năng chữa trị tại các tuyến trên rất hạn chế. Mô hình trung tâm PHCN là phương cách tốt để số đông trẻ khuyết tật được xã hội quan tâm, chia sẻ tại cộng đồng.
Bác sĩ Phan Thanh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số- Gia đình và Trẻ em tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đang phấn đấu để cứ 2 xã có được 1 trung tâm là tốt nhất vì trẻ khuyết tật trong cộng đồng cần được chăm sóc còn rất nhiều”.
BS, TTƯT Phan Cảnh Cương, Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và PHCN Quy Nhơn: Mô hình trung tâm PHCN CTKT DVCĐ sẽ giúp phát hiện được những trẻ khuyết tật ngay từ khi mới sinh ra để có thể can thiệp sớm, vì càng can thiệp sớm, hiệu quả chữa trị càng cao; phát hiện được những trẻ KT ở cộng đồng lâu nay chưa được ai quan tâm tới và có thể giải quyết các vấn đề liên quan tới chế độ, chính sách, điều kiện học hành, chăm sóc... cho các cháu tốt hơn. | |