Từ khi Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời và có hiệu lực (vào ngày 1-1-2000) cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) bao gồm các DN tư nhân, công ty TNHH và công ty cổ phần ở Bình Định đã có bước phát triển mạnh mẽ tạo động lực lớn cho nền kinh tế phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, khu vực KTTN đã và đang gặp phải những thách thức không nhỏ.
|
Một góc phân xưởng chế biến đá granit của Công ty TNHH Hoàn Cầu (Nhơn Hòa - An Nhơn). |
* Sự phát triển ấn tượng
Khu vực KTTN ở tỉnh ta đã thực sự khởi sắc đáng kể từ khi Luật DN ra đời. Với tinh thần chủ đạo là DN được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, chuyển từ cấp phép kinh doanh sang đăng ký kinh doanh, đã làm giảm đáng kể thời gian và chi phí đăng ký thành lập DN. Bên cạnh chính sách chung của cả nước, tỉnh ta cũng đã tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, giảm tối đa chi phí liên quan đến dự án đầu tư... Nhờ đó, mỗi năm trên địa bàn tỉnh ta có hàng trăm DN đăng ký thành lập mới. Năm 2006, toàn tỉnh có 532 DN đăng ký thành lập mới, tăng 37% so với năm 2005, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh gần 900 tỉ đồng. Từ đầu năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có thêm 148 DN đăng ký thành lập mới, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký trên 320 tỉ đồng. Hiện nay, khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh ta đã có gần 2.000 DN, với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 5.710 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong các ngành nghề: chế biến nông - lâm - thủy sản, khai thác mỏ, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại - dịch vụ… tăng gấp 4 lần so với năm 2000.
Không chỉ phát triển về số lượng, nhiều DN đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong nước và nước ngoài bằng những sản phẩm và thương hiệu uy tín với khách hàng, như các sản phẩm gỗ tinh chế, hàng thủy sản, đá ốp lát… Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực KTTN ở tỉnh ta từ năm 2000 đến nay liên tục tăng trưởng, với mức tăng bình quân 25%/năm. Riêng quý 1-2007, giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực này đạt 926,6 tỉ đồng, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2006.
|
Sản xuất dây cáp điện tại DNTN Hưng Phát (CCN Quang Trung - TP Quy Nhơn). |
* Còn nhiều hạn chế Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTTN ở tỉnh ta vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Các DN ở khu vực này chủ yếu có quy mô SXKD thuộc loại nhỏ và vừa. Chỉ có khoảng 15% DN có quy mô vốn hơn 10 tỉ đồng, hơn 20% số DN có quy mô vốn từ 5-10 tỉ đồng, phần đông còn lại là DN có quy mô vốn trên dưới 1 tỉ đồng nên rất khó khăn trong việc đầu tư mở rộng hoạt động SXKD. Đã vậy, do giá trị tài sản thấp, nên việc thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng thương mại cũng rất hạn chế; việc mở rộng mặt bằng, phát triển thêm ngành nghề mới ở khu vực KTTN cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện phần lớn DN tư nhân phải tận dụng diện tích mặt bằng nhà ở làm cơ sở SXKD, chỉ có khoảng 30% số DN có nhà xưởng trong các khu, cụm công nghiệp. Sự liên kết giữa các đơn vị hoạt động cùng ngành nghề với nhau ở khu vực KTTN cũng còn rất thấp. Khả năng quản lý, điều hành của một số chủ DN còn yếu kém. Nhận thức và hiểu biết về pháp luật của một số nhà đầu tư, người quản lý DN cũng còn hạn chế.
Nước ta đã gia nhập WTO, nền kinh tế đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Khu vực KTTN có thêm cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nếu những yếu kém, những bất cập nhanh chóng được khắc phục. Thời gian gần đây, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp, như tiến hành quy hoạch và xây dựng thêm một số khu, cụm công nghiệp mới; tăng cường hỗ trợ các DN trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin thị trường, công tác xúc tiến thương mại… nhằm hỗ trợ khu vực KTTN của tỉnh phát triển năng động, trở thành động lực mạnh của nền kinh tế tỉnh nhà trong tiến trình hội nhập.
|