Những ngày này, cả nước đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XII. QH là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại nhất của quốc gia và giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Với vị trí, vai trò và quyền hạn của QH như vậy, cho nên quyền tự do ứng cử và bầu cử của công dân là mấu chốt của việc tìm kiếm, chọn lựa những đại biểu QH xứng đáng.
Ngay từ những năm đầu của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị “Tìm người tài đức”. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”. Đến nay, dân số Việt Nam đã trên 80 triệu người, số người có tài có đức chắc chắn không thiếu.
Đại biểu QH là người được nhân dân trực tiếp bầu ra, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong QH. Do vậy, mọi cử tri cần phải nghiêm túc trong việc bầu cử để “chọn mặt gửi vàng”, dành phiếu của mình cho những người xứng đáng, có tài có đức. Những ai tham gia bầu cử qua loa, là thiếu trách nhiệm đối với chính bản thân mình, thiếu trách nhiệm đối với tiền đồ của đất nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu được bầu vào QH khóa tới phải làm thế nào để phát huy tốt vai trò người đại biểu nhân dân? Đây chính là vấn đề mà tất cả cử tri trong cả nước quan tâm và kỳ vọng.
Cụ thể, cử tri mong muốn các đại biểu hãy… gần dân hơn nữa, thông qua những cuộc tiếp xúc với cử tri được tổ chức theo quy định và cả những chuyến “vi hành” không báo trước. Có như vậy, các đại biểu mới mắt thấy tai nghe những chuyện bức xúc, những vấn đề nổi cộm không có trong báo cáo, mới thật sự lắng nghe được tiếng nói của dân.
|