Vợ chồng cùng nghề, cái được rõ mười mươi là hai người có thể chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Với nghề báo - nghề mà công việc mang tính chất rất đặc thù - điều này còn trên cả “được”. Còn “mất”, cũng có đôi chút, nhưng có lẽ không đáng kể so với những gì mà những người trong cuộc nhận được.
|
Vợ chồng nhà báo Hữu Thành (quay phim) và Thùy Cầm (phóng viên) Đài PTTH Bình Định cùng tác nghiệp tại xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Thạnh). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Vợ chồng cùng “tát biển Đông”
“Khi thấy tôi quyết định theo nghề báo, với kinh nghiệm của một người từng trải, mẹ tôi bảo: “Mai mốt lập gia đình, nếu được thì nên lấy người làm cùng nghề để vợ chồng thông cảm cho nhau. Con làm nghề này vất vả, đi nhiều, chồng mà không hiểu công việc của vợ thì khó giữ hòa khí trong nhà”. Thế rồi tôi gặp duyên, lấy chồng cùng nghề, giờ nghĩ lại thấy mẹ mình chí lý quá…” - Đấy là lời chị bạn tôi, một người gắn bó với nghề báo gần 10 năm, khi kể chuyện nhà mình.
Có lẽ điều hạnh phúc nhất của những cặp vợ chồng cùng làm nghề báo khi nói về người bạn đời của mình chính là sự thấu hiểu, thông cảm vì quá hiểu công việc của nhau. Có thể, với những người khác, một ông chồng suốt ngày vắng nhà, công tác liên miên, “đi mây về gió”, hoặc một người vợ luôn đi sớm về trễ, lại hay gặp gỡ, trò chuyện nhiều người, cơm nước có khi “khoán trắng” cho chồng… sẽ làm họ khó chịu, nhưng với hầu hết những người làm nghề báo, đây là chuyện bình thường. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa với những phụ nữ trót đeo nghiệp viết lách, bởi họ luôn nặng gánh 2 vai việc nước việc nhà.
Chị M.H., phóng viên Đài PTTH tỉnh, có chồng làm cùng cơ quan, cho biết: “Vợ chồng cùng nghề, quá hiểu công việc của nhau nên tôi có đi sớm về khuya anh ấy cũng không nói gì. Lúc nào tôi bận, không nấu cơm được thì vợ chồng đi ăn cơm bụi cũng chẳng sao. Chứ như nhà người khác thì chắc có chuyện”.
Còn chị H.P., phóng viên Đài Truyền thanh Vân Canh thì kể: “Tuy là kỹ thuật viên của đài nhưng chồng tôi cũng rất hiểu công việc làm báo của vợ. Mỗi khi tôi đi làm về trễ, anh ấy thường thay tôi lo chuyện cơm nước, con cái. Hay đơn giản một việc nhỏ là khi thấy tôi viết bài, anh ấy cũng biết ý, không nói chuyện để khỏi cắt đứt dòng suy nghĩ của vợ”.
Ngoài ra, việc vợ chồng hỗ trợ nhau trong công việc làm báo cũng là điều mà nhiều “cặp nhà báo” rất tâm đắc khi nói về nửa kia của mình. Với vợ chồng anh N.D.- chị P.L. thì tuy vợ làm ở đài còn chồng làm ở báo nhưng họ luôn biết trợ sức cho nhau, nhất là khi phát hiện những đề tài mới. Còn vợ chồng chị H.P. ở Đài Truyền thanh Vân Canh thì mỗi khi chị đi công tác xa như đi làng Cà Te, Cà Bưng (Canh Thuận), Canh Lãnh (Canh Hòa), tài xế của chị chắc chắn là ông xã. Không những thế, anh còn góp ý cho chị từ cách đọc bài đến cách viết bài. Hỏi có tự ái khi bị chồng phê không, chị cười: “Ngược lại, tôi thấy vui vì chỉ có chồng mình mới nói thật lòng với mình như vậy”.
Về khía cạnh này, chị M.H. ở Đài PTTH Bình Định cười vui kể: “Có khi chồng đi làm về mách vợ một đề tài nào đó, xong vợ chồng cãi nhau như “mổ bò” vì vợ bảo phải làm như thế này, chồng nói phải làm như thế kia mới hay, chỉ là để vỡ ra vấn đề thôi”. Nói về chuyện này, vợ chồng anh V.T. - chị T.H., cùng là phóng viên Báo Bình Định tâm sự: “Ngoài việc hỗ trợ nhau trong công việc, có khi chúng tôi lại biến những chuyến đi công tác như thế thành những cơ hội riêng tư thú vị cho hai vợ chồng”.
* Cùng hy sinh vì nghề nghiệp
Người ta thường nói rằng, sự hòa hợp giữa vợ chồng chính là sự đối lập có tính bù trừ, bổ khuyết cho nhau để thành một tổng thể hoàn chỉnh, hơn là sự giống nhau như đúc. Vậy với những cặp vợ chồng cùng nghề, ở đây là nghề báo, điều này có làm cho họ chán nhau không?
Câu trả lời của hầu hết những cặp vợ chồng cùng làm báo mà chúng tôi gặp là không. Đặc trưng công việc cho họ điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, biết nhiều điều, vì thế các vợ chồng nhà báo luôn có lắm đề tài để nói với nhau chứ không chỉ nói chuyện nghề! Mặt khác, dù cùng nghề, hiểu rõ về nhau nhưng nhiều người cũng ý thức được là phải biết tạo ra một “khoảng cách” giữa hai vợ chồng, để luôn tạo sự hấp dẫn cho nhau trong cuộc sống, chẳng hạn không can thiệp quá sâu vào chuyên môn của nhau, không chăm chăm tìm hiểu hôm nay vợ hay chồng mình đi đâu, gặp ai, viết đề tài gì…
Tuy vậy, có một khó khăn mà những cặp vợ chồng cùng nghề phải chấp nhận, đó là họ không có nhiều thời gian cho gia đình. Với những cặp chồng là kỹ thuật viên - vợ phóng viên còn đỡ vì như chiếc compa - người đứng người chạy, chứ với những cặp vợ chồng đều là phóng viên thì đành phải chấp nhận. Anh N.D (Báo Bình Định) cho biết có khi vợ chồng anh không hẹn cùng đăng ký đề tài và đi công tác xa một lúc nên phải gởi con nhờ bà chăm hộ. Và một điều nữa, nếu nói nghề báo là nghề nguy hiểm nhất trong các nghề thì với những gia đình này, sự nguy hiểm đã tăng lên gấp đôi. Sự nguy hiểm ấy, không chỉ là về tính mạng mà còn là những cám dỗ trong cuộc sống.
Và như thế, nếu nói người có vợ hay chồng làm cùng nghề báo là những người hạnh phúc, và họ đã dũng cảm chấp nhận thực tế để có được hạnh phúc trong công việc và trong gia đình, thì mong là ý nghĩ này sẽ được nhiều người cùng chia sẻ.
|