Chuyện về những gia đình hiếu học
10:41', 10/7/ 2007 (GMT+7)

Hội Khuyến học TP Quy Nhơn vừa tổ chức hội nghị biểu dương những “Gia đình hiếu học” tiêu biểu toàn thành phố lần thứ hai. 83 gia đình hiếu học tiêu biểu đại diện cho 5.772 gia đình hiếu học được biểu dương tại hội nghị. Đây là những tấm gương sáng về tinh thần và sự nỗ lực vì sự học.

 

Lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn trao bằng khen Gia đình hiếu học tiêu biểu cho các gia đình.

 

Ông Hoàng Thái Phiên, ở khu vực 3, phường Đống Đa kể: “Tôi là thương binh, về hưu từ năm 1994 với khoản lương hưu và trợ cấp thương binh khiêm tốn nhưng phải nuôi vợ đau ốm kéo dài 10 năm nay và ba con đang độ tuổi ăn học. Cuộc sống quá khó khăn nên địa phương xếp gia đình tôi vào diện hộ nghèo. Trước hoàn cảnh như thế, với bản chất người lính chẳng lẽ bó tay đầu hàng số phận. Tôi bàn với vợ, con kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”, lấy nhỏ để phấn đấu việc lớn. Tôi vay vốn mua 2 máy may về nhận may gia công. Cả gia đình tôi, từ đó bước vào cuộc vật lộn mưu sinh với nghề may. Con- đứa học sáng, thì may chiều, đứa học chiều thì may tối. Cả nhà mỗi ngày làm việc khoảng 20 giờ…”.

Công việc may vá có chiều thuận lợi. Ông Phiên còn nhận trực bảo vệ ban đêm cho một cơ quan. Các khoản thu nhập từ đó, tạm trang trải cho nhu cầu tối thiểu của gia đình và nuôi ba con ăn học. 8 năm trôi qua, hiện nay, con trai lớn của ông Phiên đã tốt nghiệp 2 trường đại học, hiện là Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Phước ở Khu công nghiệp Phú Tài; con gái giữa tốt nghiệp Đại học sư phạm, hiện đang công tác tại Hội LHPN tỉnh; con trai út là kỹ sư điện đang làm cho một công ty. Từ một hộ nghèo, gia đình ông Phiên đã vươn lên mức sống trung bình, con cái học hành giỏi giang và bước đầu thành đạt.

Bà Phan Thị Ninh, 52 tuổi, ở khu vực 10, phường Hải Cảng có chồng mất vì tai biến mạch máu não đã 12 năm. Một mình bà Ninh phải tần tảo nuôi 3 con ăn học. Bà đã không từ một việc gì, từ đi rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo thuê đến gánh cá mướn… quần quật suốt ngày đêm với quyết tâm kiếm tiền cho con đeo đuổi việc học để thoát nghèo. Bà Ninh kể: “Có thời gian, thấy mẹ khổ quá, con gái giữa lén bỏ học vào Sài Gòn may thuê để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi anh và em ăn học. Biết được, tôi liền khăn gói vào Sài Gòn tìm con, khuyên nó về xin đi học lại. Còn tôi, lại phải cố gắng bươn chải nhiều hơn để gồng gánh kinh tế cho gia đình...”.

Nhờ tình yêu thương và nghị lực của người mẹ, các con bà Ninh đều được ăn học đến nơi đến chốn. Người con trai đầu tốt nghiệp đại học hiện đã đi làm tại Bưu điện tỉnh. Ước mong “mình chịu khổ để con mình khỏi khổ” của bà Ninh đang trở thành hiện thực.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Minh ở khu vực 4, phường Ngô Mây làm nghề bún tươi. Hơn 10 năm qua, ông Minh bị bệnh gai cột sống không lao động nặng nhọc được. Mọi việc trong nhà đều do vợ ông gánh vác. Căn nhà ông đang ở- một căn nhà cấp 4 chật chội lại quá cũ kỹ, dột nát- nhưng  không sao có tiền sửa lại bởi hàng ngày các thành viên trong gia đình vẫn còn phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn từng đồng vốn mua gạo làm bún tươi để ngày hôm sau, người vợ đạp xe đạp cọc cạch đi bán hết chợ này, chợ khác kiếm từng đồng sống qua ngày. Không phụ công cha mẹ, trong 5 người con của ông thì đã có 3 đứa đang học và đã tốt nghiệp đại học… 

Còn bà Nguyễn Thị Kim Ánh ở khu vực 5, phường Ngô Mây trông dáng người gầy guộc nhưng đôn hậu, chất phác. Bà đang sống trong một ngôi nhà hết sức nghèo nàn và hàng ngày tần tảo, lăn lộn với cuộc sống bằng vài chục trái bắp, vài chục khoai lang… nướng bán cho khách qua đường kiếm từng đồng lời ít ỏi, dành dụm nuôi con ăn học. Trời không phụ người. Các con bà ngoan ngoãn, hiếu thảo. Con đầu và con thứ của bà nay đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh, con út đang học phổ thông trung học.

Còn biết bao nhiêu gia đình đã biết vươn lên từ sự học của con cái. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Đầu tư cho phát triển. Câu nói đó luôn luôn đúng đối với những gia đình được vinh danh trong buổi lễ hôm nay và cả những người còn âm thầm phấn đấu vì tương lai xán lạn của con cái mai sau.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Một không sợ”, “Hai sợ”…  (10/07/2007)
Hỗ trợ 600 triệu đồng sửa chữa nhà ở cho các hộ chính sách  (10/07/2007)
Chính phủ hỗ trợ kinh phí di dân bị ảnh hưởng do lũ quét và sạt lở đất  (10/07/2007)
93 thí sinh bỏ thi  (10/07/2007)
Chuyện cảm động trong mùa thi  (09/07/2007)
Còn thiếu và yếu  (09/07/2007)
Thông báo “lệch pha”, thí sinh chịu thiệt!  (09/07/2007)
Thêm 35 trẻ em sứt môi, hở hàm ếch được phẫu thuật “trả lại nụ cười”  (09/07/2007)
Hơn 2.000 đối tượng chính sách được nhận quà  (09/07/2007)
26.511 thí sinh dự thi ĐH, CĐ năm 2007 (đợt 2)  (09/07/2007)
Kết thúc Hội thi Tin học trẻ không chuyên lần thứ XIII năm 2007  (09/07/2007)
Hỗ trợ cho chị Hòa 100% chi phí phẫu thuật  (07/07/2007)
Tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa  (07/07/2007)
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm việc tại tỉnh Bình Định  (07/07/2007)
Mưu sinh cùng hủ tiếu xe  (06/07/2007)