Trong những năm qua, công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách luôn được cả xã hội cùng quan tâm và thực hiện khá tốt. Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2007), phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với ông Phan Như Hải- Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh công tác này.
|
Nhân viên Co.op Mart Quy Nhơn thăm và tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở phường Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) nhân ngày 27-7. Ảnh: N.P
|
* Thưa ông, thời gian qua, công tác chăm lo cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ và người có công ở tỉnh Bình Định đã được triển khai thực hiện như thế nào?
- Chăm lo cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ, người có công, không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tự nguyện của mỗi người. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh, đóng góp cho đất nước của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và các tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, các chính sách thương binh, liệt sĩ đã được ngành LĐ-TB-XH luôn chú trọng và giải quyết nhanh chóng. Tính đến hết tháng 6-2007, các bộ phận chức năng của tỉnh đã xác nhận được hơn 107.000 đối tượng người có công. Đến nay, hầu hết các cá nhân, gia đình có công với cách mạng đều được ghi nhận công lao, được xã hội tôn vinh và được giải quyết các chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
* Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ gia đình chính sách là mục tiêu hàng đầu trong công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách. Về mặt này, tỉnh Bình Định đã thực hiện ra sao?
- Cùng với chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở tỉnh Bình Định cũng đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Trong đó có một số việc làm cụ thể như: phong trào đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” từ tỉnh đến các địa phương, đã thu được hơn 13 tỉ đồng; từ phong trào xóa nhà ở đơn sơ cho đối tượng người có công, đã có trên 6.000 ngôi nhà được xây dựng và sửa chữa; từ phong trào tặng “sổ tiết kiệm tình nghĩa” đã có 7.100 đối tượng chính sách được nhận sổ; có hơn 500 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng; 4.200 hộ gia đình chính sách được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, vay vốn xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, các hộ chính sách còn thường xuyên được miễn giảm thuế nông nghiệp, tiền sử dụng đất, học phí và cấp kinh phí học nghề...
* Tuy vậy, vẫn còn không ít hộ gia đình chính sách đời sống vẫn còn khó khăn?
- Thực tế vẫn còn những hộ gia đình chính sách mặc dù được hỗ trợ nhưng vẫn có nguy cơ tái nghèo cao, do không có kinh nghiệm làm ăn hoặc do ốm đau, bệnh tật, thiếu sức lao động, không có vốn và tay nghề. Đây là vấn đề khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Có lẽ, Nhà nước cũng cần phải có các dự án cụ thể, đầu tư dài hơi hơn để hướng dẫn và hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân, tập thể, các ban ngành, đoàn thể ở địa phương cần có trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp, quan tâm chăm sóc, giúp đỡ cụ thể, thiết thực để “đền ơn, đáp nghĩa” người có công.
* Trong thời gian tới, tỉnh đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như thế nào để tiếp tục giải quyết tốt các chính sách cho người có công, thưa ông?
- Tỉnh sẽ phấn đấu không còn gia đình chính sách nào thuộc diện hộ nghèo; tiếp tục vận động trợ giúp những hộ gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở; phấn đấu trên 95% hộ gia đình chính sách có mức sống và thu nhập từ bằng đến cao hơn mức sống chung của dân cư trong địa bàn cư trú. Phấn đấu 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; phong trào chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương bệnh binh nặng; giúp đỡ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, báo tin phần mộ liệt sĩ đến thân nhân liệt sĩ; bảo vệ, nâng cấp, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ...
* Xin cảm ơn ông!
|