“Để làm nghề này, đòi hỏi mỗi người phải có tính kiên trì, chịu thương, chịu khó và đặc biệt, phải biết dẹp bớt “cái tôi” của mình để thuyết phục những khách hàng khó tính, còn thiếu sự cảm thông...” - một nhân viên tiếp thị đã nói với tôi như vậy.
|
Làm tiếp thị đòi hỏi phải kiên trì, chịu thương, chịu khó.
|
Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, tôi gặp Lan Anh (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) đi tiếp thị hàng mỹ phẩm cho Doanh nghiệp tư nhân Ngọc Thắng ở đường Võ Huy Tấn (phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn). Nhỏ nhắn, gầy guộc nhưng cô vẫn kiên trì trên khắp mọi nẻo đường để thu công nợ và chào hàng cho nhà phân phối. Lan Anh tâm sự: “Học xong 12, không đủ điều kiện học lên đại học, tôi phải vừa đi học vừa đi làm. Lúc đầu, tôi đi may cho một công ty được gần 1 năm. Dành dụm được ít tiền, tôi mua xe máy trả góp và xin làm tiếp thị để có thời gian đi học thêm vào buổi tối…”.
Lúc đầu, Lan Anh cầm hồ sơ đi khắp nơi để xin làm tiếp thị, nhưng cứ nhìn vào cái dáng nhỏ nhắn- chưa đầy 39 kg- của cô, các nhà phân phối lại ngại cô sẽ không đủ sức “cày” đường nhựa nên từ chối… “Tôi thử việc tiếp thị đủ các mặt hàng, từ điện lạnh, bia, đến mỹ phẩm… và cuối cùng đã tìm được chỗ làm ổn định…” - Lan Anh tỏ vẻ hài lòng. Mỗi sáng, cô hâm cơm nguội ăn cho chắc bụng, mang theo một chai nước lọc và bắt đầu “cày” từ Quy Nhơn về các huyện cho đến 3 giờ chiều vì khoảng thời gian này, những chủ cửa hàng mới “chịu” tiếp thị. “Lần đầu đến chào hàng, các chủ cửa hàng thấy “lính mới” thường xua tay đuổi nhưng tôi cứ phải kiên trì ở lại tìm cách thuyết phục khách hàng. Dần dà, khách hàng quen mặt thì công việc cũng dễ dàng hơn” - Lan Anh cho biết.
Năm 2003 - 23 tuổi, Vũ (TP Quy Nhơn) đã sạt nghiệp với nghề sản xuất tôm giống. Chán nản, suốt ngày anh cứ lông bông hết nằm ở nhà, lại ra quán. Nhưng rồi, Vũ chợt thức tỉnh: Thất bại thì phải cố gắng đứng dậy làm lại từ đầu, dù làm bất cứ nghề gì, miễn là chân chính. Vũ trốn gia đình vào TP Hồ Chí Minh làm tiếp thị cho hãng CoCa-Cola. Hàng ngày, anh phải chở hàng trên xe ba gác bôn ba khắp mọi nẻo đường dưới nắng mưa. Lúc đầu không quen, anh luôn làm ngã xe, đổ bể hàng hóa và phải nhịn tiêu để có tiền đền cho đại lý.
Theo thời gian, Vũ cảm thấy công việc này phù hợp với khả năng mình. Anh về lại quê hương để tiếp thị một sản phẩm sữa của Công ty TNHH Tân Úc Việt TP Hồ Chí Minh, mở nhà phân phối tại Quy Nhơn. Suốt 5 tháng liền, Vũ làm việc bỏ trưa, bỏ tối. Nhiều hôm về đến nhà, mệt đến nỗi cơm, cháo không nuốt nổi. Gia đình thấy Vũ khổ quá, bảo anh nghỉ việc. Nhưng Vũ vẫn cố gắng… Sau những nỗ lực không mệt mỏi đó, anh đã chứng tỏ được năng lực của mình và công ty đã đề bạt làm Giám sát thị trường - quản lý nhân viên khu vực Bình Định.
Còn đối với anh Thuần, 44 tuổi, nhân viên bán hàng tổng hợp cho Công ty TNHH Thương mại - sản xuất - xuất nhập khẩu Anh Nhật (TP Quy Nhơn) thì: “Tuy công việc này có nhiều áp lực từ phía công ty lại phải va chạm đủ các kiểu từ phía khách hàng… nhưng tôi xác định sẽ gắn bó với công ty này, bởi ở đây, có chính sách lương cho nhân viên thỏa đáng, minh bạch, người lao động không bị chèn ép và đặc biệt, ông bà chủ đối xử với nhân viên rất tình cảm… Nếu đạt được chỉ tiêu công ty đề ra, thì bình quân mỗi tháng, tôi nhận lương được 2 triệu đồng. Còn nếu bán hàng giỏi, vượt được chỉ tiêu, thu nhập sẽ còn cao hơn”.
“Làm cái nghề này, hàng ngày va chạm với đủ loại khách… nhưng buồn nhất, vẫn là khi bạn bè hỏi làm gì và bảo rằng làm tiếp thị. Không mấy ai tỏ ra tôn trọng cả”- Lan Anh tâm sự. Có trong nghề mới thấy cơ hội và tương lai nghề nghiệp của nghề. Rất nhiều người đã thành đạt, đi lên từ nghề tiếp thị. Bởi vậy, Lan Anh vẫn nuôi dưỡng hy vọng. Ban ngày cô làm tiếp thị, buổi tối tham gia lớp đại học tại chức, ngành Quản trị kinh doanh. Cô quyết tâm tích lũy kinh nghiệm, vốn sống để được trưởng thành hơn trong nghề.
Anh Luận, chủ cơ sở phân phối Hương Bình (phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) cho hay: “Tôi làm nhân viên bán hàng từ năm 1995. Gắn bó hơn 7 năm với nghề, niềm vui có, nhưng nỗi buồn cũng nhiều. Có hôm, vừa ló mặt vào cửa hàng, chưa kịp nói lời nào đã bị chủ nhà nặng lời đuổi đi”. Đi bán hàng đã “nhọc”, đi thu công nợ còn “nhằn” hơn… Một lần vừa đến một cửa hàng nọ thu công nợ, chưa kịp vào nhà, thì chủ cửa hàng đã cho đứa con gái 8 tuổi bước ra xua đuổi anh: “Đi đi, hôm nay không có tiền đâu!…”.
Để được ngồi vào vị trí giám đốc bán hàng tại một công ty có 100% vốn nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh (có đại diện tại Bình Định) như hiện nay với mức thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng, khi tốt nghiệp đại học ra trường, Duy cũng đã phải trải qua muôn vạn gian nan khi làm nhân viên bán hàng. Duy tâm sự: “Có việc gì kiếm ra tiền chân chính mà dễ làm đâu. Tôi cũng đã từng phải trải qua nhiều gian nan khi bắt đầu bằng công việc tiếp thị…”.
Nghề chân chính nào cũng đầy những giọt mồ hôi rơi xuống. Thời gian qua, chuyện nước tương chứa chất 3- MCPD gây ung thư quá mức cho phép, kem đánh răng nhập lậu… đã làm cho những người làm nghề tiếp thị bị vạ lây. Rồi, trong xã hội, vẫn còn nhiều kẻ mang danh tiếp thị đi bán các sản phẩm “ma” làm ảnh hưởng đến những người làm nghề tiếp thị chân chính.
|