Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa những người đã xả thân vì sự nghiệp cứu nước là đạo đức truyền thống của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng và tác dụng to lớn của công tác đền ơn đáp nghĩa, Người ra sức thực hiện công tác này bằng tình cảm và trách nhiệm lớn lao.
Từ năm 1947 đến năm 1969, hầu như ngày 27-7 năm nào Bác cũng có thư gửi cho thương, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ. Bác đã dành những tình cảm sâu sắc nhất cho các thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt”. Đồng thời, Bác nêu rõ nhiệm vụ của mọi người: “Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy… Ngày 27-7 là dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, tỏ ý yêu mến thương binh”. Chính Người đã thực hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực để toàn dân noi theo: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch…”.
Việc làm thấm nhuần đạo nghĩa, hợp với lòng người đó đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của xã hội. Phong trào ủng hộ thương binh, gia đình liệt sĩ ngày càng mở rộng, ăn sâu trong các tầng lớp nhân dân. Để củng cố và phát triển vững chắc phong trào, Bác Hồ luôn nhấn mạnh tới trách nhiệm của Nhà nước, của đồng bào đối với thương binh. Người có những chỉ thị cụ thể về cách thức tiến hành công việc, nêu rõ trách nhiệm của các giới, các ngành, các tổ chức, đoàn thể là “cần phải ra sức tuyên truyền, giải thích” để giúp đỡ thương binh và các gia đình liệt sĩ về vật chất và tinh thần.
Một tư tưởng khác vô cùng quan trọng của Bác Hồ đối với công tác thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, đó là không chỉ nhấn mạnh một chiều tới trách nhiệm của đồng bào phải giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ về vật chất và tinh thần, mà còn nhấn mạnh cả tới thái độ, trách nhiệm của chính các thương binh. Bác căn dặn thương binh: “phải hòa mình với nhân dân, phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật. Chớ bi quan, chán nản, phải luôn cố gắng”; “Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì anh em nhất định dần dần tự túc được”; “Thương binh tàn nhưng không phế”... Đó là tư tưởng lớn mà Bác Hồ đã giáo dục, truyền đạt tới anh em thương binh, giúp cho họ vững lòng tin vào chính bản thân mình với sự giúp đỡ, đùm bọc của đồng bào để có dũng khí vượt qua những khó khăn, trở ngại của hoàn cảnh mà tiếp tục cống hiến. Theo Bác gợi ý, anh em thương binh có thể tùy sức mà làm những công việc nhẹ như may vá, đan lát, hớt tóc hoặc giúp việc phòng giấy, giúp việc bình dân học vụ…
Để đạt tới mục tiêu đó, Bác Hồ đã vạch ra khá tỉ mỉ những công việc cần làm: “Chính quyền, các đoàn thể nhân dân và đồng bào phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp trong một thời gian. Không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh”. Bác đã theo dõi việc thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ một cách thường xuyên, với sự quan tâm đặc biệt. Bác đánh giá: “Tất cả anh em thương, bệnh binh đã đem hết khả năng của mình để tăng gia sản xuất và góp phần xây dựng đất nước. Tôi hoan nghênh tinh thần hăng hái lao động của anh em và mong anh em càng cố gắng, càng tiến bộ nữa”. Bác cũng nhắc: “Các cơ quan, đoàn thể chấp hành chu đáo chính sách của Đảng và Chính phủ đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, để anh em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ được ổn định hơn nữa trong công tác và trong đời sống”.
Chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị đó, Đảng và Nhà nước càng ra sức thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ với ý thức trách nhiệm cao, trên quy mô rộng lớn. Với sự đóng góp nhiệt tình và hiệu quả của nhân dân, công tác thương binh, liệt sĩ nhanh chóng phát triển thành phong trào rộng lớn với nhiều hình thức phong phú: “Chăm nuôi các bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Vườn cây tình nghĩa”…trở thành hành động toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước, đáp ứng lòng mong mỏi của Bác Hồ.
(Trường Chính trị tỉnh Bình Định) |