Trong ngày đầu tiên của kỳ họp HĐND tỉnh lần 9, khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã được nghe 10 báo cáo, đề án, tờ trình của UBND tỉnh đọc tại hội trường. Ngoài ra, còn có nhiều báo cáo, tờ trình quan trọng khác được gởi đến đại biểu để nghiên cứu và tham gia thảo luận. Trong đó, có nhiều tờ trình, báo cáo đã được đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm…
|
Quang cảnh kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X. Ảnh: B.S
|
Báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007 do ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày nhận định: KT-XH tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả tích cực. Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm địa phương) tăng 12% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng năm trước là 1,1%. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,3%. Trong đó, trồng trọt tăng 1,1%, đạt thấp so với kế hoạch đề ra.
Với Đề án miễn giảm thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh, ngoài mục tiêu giảm mức đóng góp của nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa đời sống nông thôn và thành thị, đề án này còn nhằm duy trì năng lực của hệ thống thủy lợi, chống xuống cấp hệ thống các công trình và sử dụng công trình hiệu quả hơn. Theo thống kê, mức thủy lợi phí bình quân mà người nông dân phải nộp hiện nay là 10.602 đồng/sào/vụ. Theo Đề án miễn giảm thủy lợi phí, kể từ vụ Đông - Xuân 2007 (bắt đầu từ ngày 1.12. 2006), các hộ gia đình, cá nhân được nhà nước giao đất, mặt nước sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối sẽ được miễn giảm thủy lợi phí với mức 50% mức hiện đang thu. Và như vậy, sau khi miễn giảm, bình quân người dân chỉ phải nộp 5.301 đồng/sào/vụ.
Đối với Tờ trình về việc thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, nhà nước sẽ đầu tư quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản và các công trình đầu mối phục vụ các vùng nuôi trồng tập trung; hỗ trợ con giống và có chính sách hỗ trợ trong trường hợp diện tích nuôi trồng thủy sản tại các vùng chuyển đổi, vùng nuôi tập trung bị dịch bệnh thiệt hại trên 90%…
Tờ trình về việc xin ý kiến thông qua Quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc ban hành chính sách mới này là cần thiết để phù hợp với Luật Đầu tư hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Ngoài ra, Tờ trình về việc đề nghị thông qua một số chính sách đào tạo cán bộ KHCN trình độ cao; ban hành khoản thu huy động đối với học sinh thuộc diện khác phường ở một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP Quy Nhơn; xin chủ trương thực hiện trình tự các bước đưa huyện An Nhơn lên thị xã; xin ý kiến về tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế thôn; đề nghị HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ các hoạt động HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2004- 2009; đề nghị ban hành quy định mức chi công tác phí và chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh… cũng được các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm trong kỳ họp này.
Một số ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp
* Ông NGUYỄN VĂN THIỆN - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Để đảm bảo giá trị tăng thêm sản xuất nông nghiệp theo nghị quyết HĐND tỉnh, trước mắt cần tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa vụ Hè Thu và tranh thủ nguồn nước tưới cho sản xuất vụ Mùa. Phấn đấu để sản lượng cây có hạt đạt kế hoạch đề ra từ đầu năm 2007. UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm H5N1, khôi phục và từng bước phát triển đàn gia cầm theo quy hoạch chăn nuôi tập trung. Tích cực chuẩn bị giống cây lâm nghiệp và trồng hết kế hoạch năm 2007 (kể cả trồng rừng các Dự án WB3 và KfW6); đồng thời chuẩn bị các điều kiện cho vụ sản xuất Đông Xuân 2007-2008.
|
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với nhau về một số vấn đề của kỳ họp trong giờ giải lao. Ảnh: N.S
|
* Ông BÙI QUỐC HỒNG - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh:
Các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tỉnh ban hành trước đây tuy có nhiều khoản ưu đãi song có một số khoản không thể thực hiện được vì vượt quá khả năng ngân sách tỉnh, gây khó khăn cho hoạt động của các nhà đầu tư. Mặt khác, có một số điểm ưu đãi đang được thực hiện nhưng lại không có trong quy định.
So với chính sách cũ, những điểm mới của chính sách đang chờ thông qua là đối tượng được thụ hưởng ưu đãi được mở rộng cho cả các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp chứ không phải chỉ nhà đầu tư vào KCN. Một số khoản hỗ trợ mới được quy định cụ thể; tỉ lệ hỗ trợ cho từng khoản chi phí cũng được điều chỉnh phù hợp với khả năng ngân sách. Nguồn vốn hỗ trợ cũng được quy định rõ từ ngân sách tỉnh hay huyện. Ngoài ra, các chủ đầu tư có thể tự quyết định mức giá cho thuê hạ tầng đối với từng dự án trên cơ sở không vượt quá mức giá trần phí sử dụng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mà UBND tỉnh ban hành.
* Bà TRẦN THỊ THU HÀ - Giám đốc Sở Thủy sản:
Nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững, dịch tôm xảy ra ở một số vùng với tỉ lệ cao dẫn đến đời sống người nuôi tôm khó khăn là vấn đề lớn của ngành thủy sản Bình Định. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm, xuất phát từ sự phát triển nhanh của hình thức nuôi tôm bán thâm canh trong khi cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ. Mặt khác, các ngành kinh tế và dân cư cùng phát triển nhanh nhưng việc xử lý chất thải chưa bảo đảm, khiến môi trường nuôi tôm bị ô nhiễm; ý thức người nuôi tôm trong việc bảo vệ môi trường và tổ chức cộng đồng cũng còn yếu.
Chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững sẽ khuyến khích người nuôi tôm nuôi theo hướng hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm để nuôi trồng theo hướng bền vững. Chính sách này còn có ý nghĩa trong việc giúp phục hồi môi trường sinh thái vùng cửa sông, cửa biển, vùng đầm phá, phục hồi rừng ngập mặn; hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản khi bị thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Chương trình hành động phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững cần có những giải pháp tổng hợp, trong đó chính sách này là đòn bẩy.
* Bà TRẦN THỊ TÁM - Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn:
Căn cứ các tiêu chí cụ thể, đối chiếu với thực tế thì An Nhơn đều đạt trên 70% các tiêu chuẩn đô thị loại IV. Tuy nhiên, khó khăn đối với huyện cũng còn nhiều… Dù vậy, lên thị xã là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện An Nhơn. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, huyện đã đề ra các mục tiêu, phương hướng phát triển và giải pháp thực hiện như: tập trung xây dựng, phát triển toàn diện nền kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; thực hiện và hoàn chỉnh về quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu trung tâm, khu nội thị và khu dân cư nông thôn; tập trung thực hiện các chỉ tiêu phấn đấu xây dựng huyện An Nhơn trở thành đô thị loại IV…
* Ông TRƯƠNG QUANG ĐẠT - Giám đốc BVĐK khu vực Phú Phong:
Công việc của nhân viên y tế thôn rất vất vả. Họ phải đảm đương các nhiệm vụ: truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ, sơ cứu ban đầu, chăm sóc các bệnh thông thường và thực hiện các chương trình y tế… Việc tăng mức phụ cấp từ 110 ngàn đồng/tháng/ người lên 200 ngàn đồng/tháng/ người và cấp kịp thời cho nhân viên y tế thôn là rất cần thiết để động viên họ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
* Ông HÀ NGỌC PHƯỚC - Phó Chủ tịch HĐND TP Quy Nhơn:
Huy động nguồn thu từ học sinh học khác phường sẽ giải quyết được các vướng mắc trong khâu tuyển sinh tại một số trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố và tạo thêm nguồn để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bản chất của việc huy động khoản thu đối với học sinh khác phường không phải là tạo ra sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn thành phố (vì chất lượng giáo dục còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như: công tác quản lý, đội ngũ giáo viên, trách nhiệm của phụ huynh học sinh…) nhưng ở khía cạnh nào đó, sẽ có sự chênh lệch. Vấn đề đặt ra ở đây là sử dụng khoản thu này như thế nào cho hợp lý để có thể vừa xã hội hóa giáo dục, vừa giữ được công bằng trong giáo dục.
Q.H - N.S (ghi) | |