NGÀY LÀM VIỆC THỨ 2, HĐND TỈNH KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 9:
Các tổ sôi nổi thảo luận
9:7', 19/7/ 2007 (GMT+7)

Cuối buổi chiều của ngày đầu tiên và cả ngày hôm qua (18.7), HĐND tỉnh đã dành cho các tổ thảo luận về các báo cáo, đề án, tờ trình đã được trình bày. Phóng viên Báo Bình Định đã ghi nhận không khí thảo luận sôi nổi từ các tổ.

 

Đại biểu Võ Nhật Tịnh (Hoài Nhơn) phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: N. Sương

 

Rất nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu (ĐB) nhất trí cao với đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại, thiếu sót của báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2007 của UBND tỉnh.

* Nông nghiệp- mục tiêu là hiệu quả cuối cùng

Chủ trương chuyển đổi lúa từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ là chủ trương đúng nhưng một số nơi chưa nắm vững tinh thần đề án nên còn bị động. ĐB Trương Đình Tân (An Nhơn) phân tích: “Làm 2 vụ nhưng, nếu 1 vụ bị thiên tai, mất mùa thì nông dân sẽ thiếu lương thực. Do đó, đối với những nơi có nguồn nước tưới ổn định thì giữ sản xuất 3 vụ lúa, miễn sao đạt được năng suất cao”. Tuy nhiên đa số ĐB cho rằng vấn đề đặt ra với nông nghiệp hiện nay là tăng hiệu quả chứ không phải tăng năng suất. ĐB Trần Thị Thu Hà (Hoài Nhơn) cho rằng: “Cần phải làm cho người dân chuyển đổi tư tưởng về vấn đề này, cơ quan khuyến nông, khuyến ngư cần làm cho người dân quen với cách tính hiệu quả sản xuất (so sánh tỉ lệ nguồn vốn đầu tư trên lãi suất) để chọn ra cách làm hiệu quả nhất”.

Với Chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ĐB Võ Nhật Tịnh (Hoài Nhơn) góp ý nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ cho cả người ngoài tỉnh đang nuôi trồng thủy sản tại Bình Định. Ngoài ra, tỉnh cũng nên quy hoạch chính thức vùng nuôi trồng thủy sản ở từng địa phương để có hướng đầu tư lâu dài và mở rộng các loại giống mới.

Trong phát triển chăn nuôi, ĐB Võ Kỳ Nam (Tây Sơn) cho rằng cần phải chú trọng vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông dân khi gặp sự cố về tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc.

Về Đề án miễn giảm thủy lợi phí, ĐB Võ Thành Tiên cho biết thêm: mức thu thủy lợi phí hiện nay của tỉnh Bình Định đang áp dụng là theo chính sách cũ, giá cũ (cách đây 5 năm) nên so với các tỉnh khác (đã thực hiện quy định mới) thì nông dân tỉnh Bình Định đã chỉ nộp có một nửa.    

* Phát triển công nghiệp phải chú trọng tính bền vững

Băn khoăn về quy định phân cấp hỗ trợ trong Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, ĐB Võ Nhật Tịnh (Hoài Nhơn) cho rằng: một số huyện như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn có thể sẽ không đủ kinh phí để hỗ trợ cho các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp ở huyện mình vì mức chi phí quá cao. Trên lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, theo ĐB Đinh Hồ (Vĩnh Thạnh) một số công trình được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của chương trình 134, 135 đã bị xuống cấp nghiêm trọng. ĐB Hồ đề nghị cần phải thường xuyên kiểm tra hiệu quả sử dụng của các công trình này.

Bên cạnh đó, hiện nay, nạn ô nhiễm môi trường do sản xuất công nghiệp làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xảy ra ở hầu khắp các địa phương có các khu, cụm công nghiệp. ĐB Mai Thanh Thắng đề nghị: “Cần phải có giải pháp đồng bộ để giải quyết trước khi mọi việc trở nên quá muộn”.

Nhiều ĐB đã đề cập đến việc đầu tư không hiệu quả của các nhà máy: Chế biến tinh bột sắn (Phù Mỹ), Chế biến dứa và rau quả xuất khẩu (Hoài Nhơn) và Thép Việt - Hàn (An Nhơn). Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐND tỉnh giải thích: chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến nguyên liệu nông sản hoàn toàn phù hợp với quá trình CNH, HĐH của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện lại chưa thực sâu sát nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay. Về tình trạng sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường sống cũng như cảnh quan tự nhiên, ông kiên quyết: “Chúng ta phải xử lý quyết liệt, nếu không sẽ phải gánh chịu lấy hậu quả nặng nề”.

* Nhiều vấn đề xã hội được quan tâm

Chất lượng giáo dục của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nhiều ĐB quan tâm. Trong năm học vừa qua, số học sinh thi hệ bổ túc đậu tốt nghiệp rất ít. Riêng huyện An Lão có 95 học sinh thi hệ bổ túc nhưng chỉ có 2 học sinh đậu. Mặt khác, chỉ tiêu tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào lớp 10 của Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh thấp gây khó khăn cho việc đào tạo nguồn cán bộ tại địa phương.

Về chính sách đào tạo cán bộ KH - CN trình độ cao, nhìn chung hầu hết ĐB đều đồng ý nên đầu tư đào tạo cán bộ ngay từ “gốc” thay vì kéo “ngọn” về. Để tránh tình trạng cán bộ sau khi được cử đi đào tạo về lại vi phạm cam kết, không chấp hành quyết định bố trí công tác, ĐB Phạm Thị Oanh (Quy Nhơn) đề nghị: “Cần phải tăng mức bồi hoàn kinh phí từ ngân sách tỉnh đã trợ cấp cho người đi học gấp bốn, năm lần thay vì chỉ hai lần như đã nêu trong tờ trình”.

Hôm nay (19.7), kỳ họp tiếp tục làm việc với các nội dung: Thảo luận chung tại hội trường; nghe ĐB chất vấn và thủ trưởng các cơ quan liên quan trả lời chất vấn; lãnh đạo UBND tỉnh giải trình những vấn đề nổi lên qua thảo luận; thông qua dự thảo các nghị quyết của kỳ họp và bế mạc.

  • Nhóm PV Ban CT-XH

Những lời tâm huyết

* Ông Đinh Văn Nghĩa - thôn Trà Quang Nam, thị trấn Phù Mỹ (Phù Mỹ): Nay nghe nói tỉnh có đề án giảm 50% thủy lợi phí, bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2007, tôi mừng lắm. Nếu vậy, mỗi năm tôi được giảm hơn 35 kg thóc thủy lợi phí, tính ra tiền là gần cả trăm ngàn chứ chẳng ít.

* Bà Đỗ Thị Toán - nhân viên y tế làng Hiệp Giao, thị trấn Vân Canh (Vân Canh): Tôi phấn khởi khi biết UBND tỉnh dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế thôn từ 110 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức phụ cấp như vậy cũng vẫn còn thấp so với những công việc mà chúng tôi đang đảm nhiệm.

* Ông Nguyễn Việt Cường - chuyên viên Phòng Môi trường (Sở TNMT Bình Định):

Với chính sách đào tạo cán bộ KHCN trình độ cao mà UBND tỉnh sắp ban hành, tôi xin có một số kiến nghị: Tăng kinh phí hỗ trợ vì chi phí cho việc học tập và sinh hoạt ở một số thành phố lớn trong nước khá cao; tăng cường việc hỗ trợ cán bộ có đủ năng lực đi học ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để cán bộ có thể cống hiến và phát huy năng lực sau khi hoàn thành chương trình học tập.

* Ông Trần Duy Khang, đường Tô Hiến Thành, TP Quy Nhơn: Tôi tán thành việc huy động khoản thu đối với học sinh thuộc diện khác phường vì trên thực tế, nếu không thu tiền, nhiều phụ huynh học sinh cũng vẫn nhờ vả, chạy chọt… để cố xin cho được con mình vào những trường có điều kiện dạy và học tốt hơn.

. L.P.S.H

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng công trình di dãn dân vùng ngập lũ Quảng Vân  (18/07/2007)
Hỗ trợ cho 5 gia đình chính sách xây dựng nhà ở  (18/07/2007)
Nhiều hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”  (18/07/2007)
Nhiều đề án, tờ trình quan trọng được đại biểu đặc biệt quan tâm  (18/07/2007)
Kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực  (18/07/2007)
Đưa thanh niên tình nguyện sang giúp Tỉnh Đoàn Atapư  (18/07/2007)
80 lãnh đạo cấp xã, phường được bồi dưỡng kỹ năng quản lý nhà nước   (17/07/2007)
Tỉnh ta có thêm 31 Bà mẹ Việt Nam anh hùng   (17/07/2007)
Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, rao vặt   (16/07/2007)
Người nghèo được luật sư và trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ miễn phí   (16/07/2007)
Sẽ cố gắng để không phụ lòng tin của cử tri tỉnh nhà   (16/07/2007)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh liệt sĩ  (15/07/2007)
Nhiều hoạt động thiết thực hướng đến ngày 27-7  (14/07/2007)
Xây mới 497 nhà ở cho hộ nghèo  (14/07/2007)
Tổng kết công tác Mặt trận tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII  (14/07/2007)