Sau một năm thực hiện Thông tư 21 của Liên Bộ Y tế và Tài chính về phân quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) - theo mức bình quân phí tham gia của từng đối tượng trong năm cho các cơ sở y tế, tại Bình Định đã xuất hiện tình trạng: nơi cần chi phí lớn thì không đủ chi, trong khi đó một số nơi không cần thì lại cố chi cho hết.
|
Đông đảo bệnh nhân đến KCB BHYT tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh: Văn Lưu
|
* Nơi thừa, chỗ thiếu
Từ trước tới nay, TP Quy Nhơn là địa phương có mức chi phí KCB BHYT cao nhất. Trong đó, BVĐK tỉnh và BVĐK TP Quy Nhơn chiếm ½ tổng chi vì nơi đây tập trung các cơ sở y tế có chất lượng KCB cao nhất tỉnh. Còn các huyện miền núi và trung du thì có mức chi phí KCB BHYT thấp, do điều kiện trang thiết bị và nhân lực yếu và thiếu nên chưa thu hút bệnh nhân.
Trước đây, theo quy định “trần” thanh toán nội trú và quỹ KCB ngoại trú thì các cơ sở y tế miền núi và trung du không bao giờ vượt trần, vượt quỹ. Sau khi phân quỹ KCB theo mức phí bình quân thì quỹ KCB của các địa phương này tăng lên rõ rệt (do số lượng người tham gia thuộc đối tượng chính sách, người nghèo quá nhiều, trong khi đối tượng bắt buộc rất ít). Năm 2006, chỉ có duy nhất Trung tâm Y tế huyện An Lão không vượt quỹ KCB. Quý I năm 2007, tất cả các cơ sở KCB trong tỉnh đều vượt quỹ KCB BHYT, có nơi vượt đến 200%, hết cả tiền ứng quỹ 80% cho quý sau.
Do việc phân quỹ theo bình quân có tính chất ưu đãi cho các huyện miền núi, trung du nên quỹ của các địa phương này lớn hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, các cơ sở y tế này không tăng cường chất lượng KCB cho người tham gia mà cho chi… thoải mái. Xuất phát từ nhận thức mang tính chất cục bộ địa phương của các nhà quản lý nên cơ sở y tế nào cũng tăng chi phí quỹ BHYT không cần thiết dẫn đến tình trạng vỡ quỹ nghiêm trọng. Trong khi đó, các cơ sở y tế ở TP Quy Nhơn và một số huyện đồng bằng lại bị thiếu hụt.
* Bất cập!
Bình Định hiện có 9 cơ sở y tế chuyên khoa không có quỹ KCB ban đầu, trong đó có 2 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương. Chi phí KCB lớn nhất là Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa. Do không quản lý quỹ KCB ban đầu nên các cơ sở này không quan tâm đến vấn đề vượt quỹ. Còn những cơ sở y tế có phân quỹ KCB ban đầu lại kêu trời vì thanh toán đa tuyến của họ quá lớn trong khi họ đã hạn chế tối đa chuyển viện. Đây là “kẽ hở” trong quy định của Nghị định 63 và Thông tư 21 về chính sách BHYT vì không có một biện pháp quản lý quỹ nào dành cho những cơ sở y tế không quản lý quỹ KCB ban đầu.
Hậu quả lớn nhất của việc phân quỹ KCB BHYT theo mức bình quân phí tham gia của từng đối tượng trong năm là, một số nhà quản lý y tế tăng chi phí từ quỹ BHYT vì lợi ích cục bộ của đơn vị hơn là vì hiệu quả, chất lượng KCB. Trong khi đó, để giảm “thâm thủng” quỹ KCB BHYT ở nơi mình quản lý, một số cơ sở y tế buộc phải dùng hạ sách không chuyển bệnh nhân BHYT lên tuyến trên. Vì thế, quyền lợi của người KCB BHYT đang bị xâm phạm nghiêm trọng. |
Mặt khác, ngay chính cả Ban giám đốc của các bệnh viện cũng không thể quản lý nổi quỹ KCB BHYT do việc phân quỹ thường chậm và mang tính chất dự báo kế hoạch. Hầu hết Ban giám đốc các cơ sở y tế không quản lý được thầy thuốc ở các khoa, phòng do không biết mức phí nào là phù hợp để khống chế những chi phí không cần thiết. Phải nói rằng, việc chống lạm dụng, lãng phí quỹ BHYT không ai làm tốt hơn Ban giám đốc các bệnh viện. Tuy nhiên, với quy định phân chia quỹ KCB BHYT theo bình quân thì họ cũng đành phải bó tay!
Một bất cập khác cũng cần phải nói đến là đội ngũ giám định của cơ quan quản lý là Bảo hiểm Xã hội vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện nay, hầu hết công việc của giám định viên BHYT là “chạy theo sau”, khi cơ sở y tế đã chi cho bệnh nhân. Công việc này chỉ hoàn toàn mang tính chất thống kê lại; dù có giám định chuyên môn thì cũng chỉ làm được một vài bệnh án vì không có thời gian. Những cơ sở y tế không có cán bộ giám định thường trực thì vấn đề quản lý quỹ KCB BHYT hoàn toàn giao phó cho Ban giám đốc cơ sở y tế.
* Cần có giải pháp quản lý hiệu quả hơn
Từ những bất cập nói trên qua một năm thực hiện phân quỹ KCB BHYT theo mức phí tham gia bình quân, chúng tôi cho rằng: cần phải nghiên cứu, tìm kiếm phương thức khác để quản lý quỹ KCB BHYT hiệu quả hơn.
Hiện nay, trước nguy cơ quỹ BHYT mất cân đối nghiêm trọng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã quyết định sử dụng phương pháp khoán định suất bắt buộc trong tất cả các cơ sở y tế có ký hợp đồng BHYT. Ngoài các biện pháp tăng mức đóng, cùng chi trả 20%, tăng số lượng người tham gia BHYT bằng chính sách BHYT bắt buộc, khoán định suất là giải pháp tốt nhất để quản lý quỹ BHYT.
Tuy nhiên, trong khi chưa quyết định được phương thức khoán định suất, cơ quan quản lý nên bãi bỏ phân quỹ KCB theo mức bình quân, trở lại quy định mức trần thanh toán trong nội trú (có tỷ lệ gia tăng theo thực tế hàng năm) và khoán quỹ KCB ngoại trú như trước đây. Đồng thời tăng cường vai trò quản lý của Ban giám đốc bệnh viện, hệ thống giám định BHYT để tránh những bất cập nói trên.
|