Say mê thì sẽ thành công
10:21', 21/7/ 2007 (GMT+7)

Tuy số phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa nhiều, số lượng đề tài nghiên cứu còn ít, nhưng những đóng góp của họ trong công tác NCKH nói riêng và đời sống nói chung rất đáng ghi nhận. Dưới đây là những gương mặt phụ nữ tiêu biểu trong lĩnh vực này.

 

Th.s Lê Thị Kim Đào đang chăm sóc giống lan Dendrobium 5 màu tại Trạm thực nghiệm khoa học công nghệ Phước An.

 

* NCKH phải phục vụ cuộc sống

Ths. Lê Thị Kim Đào (sinh năm 1957) hiện là Phó giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ Bình Định. Đã làm NCKH thì các đề tài, dự án nghiên cứu phải phục vụ thực tiễn cuộc sống, ứng dụng được vào sản xuất. Xuất phát từ quan niệm đó, trong hơn 20 năm làm việc tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ Bình Định, chị đã trực tiếp tham gia vào rất nhiều đề tài nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp bộ và Nhà nước như “Nghiên cứu thử nghiệm nhân giống một số cây trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô (Bạch đàn E.Urophyla, Hông, Trầm hương và Giỏi xanh)”. Trong năm nay, chị sẽ tiếp tục báo cáo nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất hoa phong lan công nghệ cao để xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình”. Ngoài ra, chị còn tham gia triển khai một số dự án như “Hoàn thiện và triển khai công nghệ vi nhân giống bạch đàn năng suất cao cho trồng rừng sản xuất ở vùng Nam Trung Bộ”…

Theo chị, để làm công tác NCKH, ngoài việc đọc sách, nghiên cứu nhiều, phải biết quan sát thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, người nghiên cứu phải thực sự say mê, quyết tâm và chịu khó mới gắn bó lâu dài được với công việc.

Cũng như bao phụ nữ khác, ngoài công việc, chị còn có một mái ấm gia đình với người mẹ, người chồng lúc nào cũng kề vai sát cánh và cậu con trai đã trưởng thành. Chị thổ lộ: “Anh ấy cũng là người say mê công việc, nên rất hiểu và ủng hộ tôi”. Khi được hỏi chị có ước mơ gì trong thời gian tới, chị cười giản dị: “Một sức khỏe tốt cho mọi thành viên gia đình để ai cũng được làm việc tốt, riêng tôi, có thể thực hiện nhiều đề tài hơn nữa”.

* NCKH để vững vàng chuyên môn

Khác với dự đoán của tôi, người phụ nữ có 7 đề tài NCKH cấp ngành của Sở Y tế Bình Định lại còn khá trẻ. Tốt nghiệp Đại học Y TP Hồ Chí Minh phân hệ Kỹ thuật năm 1998, hiện nay, chị Nguyễn Thị Như Tú là Phó phòng Nghiệp vụ Y- Sở Y tế Bình Định. Chị tâm sự: “Tôi thường quan tâm đến những đề tài gắn với cộng đồng”.

Theo chị, 2/3 thành công của việc điều trị bệnh nhân nằm viện, là do sự chăm sóc, theo dõi của đội ngũ điều dưỡng. Thế nhưng, trên thực tế có nhiều điều dưỡng, vì nhiều lí do, đã không theo dõi, khám phát thuốc cho bệnh nhân đúng quy trình, dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Vì vậy, nhiều đề tài nghiên cứu của chị hướng đến nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của người điều dưỡng và giúp bệnh nhân hiểu đúng các kiến thức cơ bản trong quá trình điều trị tại bệnh viện.

Trong số các đề tài nghiên cứu, chị tâm đắc nhất là “Tần suất tiêm không an toàn- hiệu quả tác động của việc tiêm an toàn tại tỉnh Bình Định”; “Nghiên cứu cải tiến hệ thống dẫn lưu nước tiểu tự tạo”; “Sơ bộ khảo sát kiến thức đội ngũ chăm sóc người bệnh tỉnh Bình Định”. Gần đây nhất, chị vừa hoàn thành đề tài “Xác định ảnh hưởng tư thế người bệnh nằm ngửa bắt chéo chân ở đầu gối đến chỉ số huyết áp”. Chị cho biết: “Hiện nay, bệnh huyết áp đang rất phổ biến trong cộng đồng, làm thế nào để nhiều người hiểu biết hơn về bệnh và biết cách phòng tránh là lý do để tôi cố gắng hoàn thành đề tài sớm nhất”.

Để làm tốt chuyên môn, chị Tú đã học và lấy thêm được bằng cử nhân Anh văn năm 2004. Chị cho rằng: “Ngành Y có rất nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, muốn nghiên cứu tài liệu phải tự mình đọc và dịch lấy” .

Khác với chị Đào- lúc nào cũng được chồng động viên, ủng hộ. Lúc đầu, thấy công việc NCKH vất vả phải thức khuya, dậy sớm… chồng chị Tú đã phàn nàn và không mấy vui vẻ. Nhưng rồi “nước chảy đá mòn”, dần dà chị cũng đã nhận được sự cảm thông, chia sẻ của anh. Chị Tú tâm sự: “Người phụ nữ dù say mê công việc đến mấy thì vẫn không được quên nấu những bữa cơm ngon cho gia đình, chăm sóc và dạy dỗ con cái”. Chị cho biết dự định, sẽ tiếp tục nghiên cứu một khía cạnh của đề tài “Thực trạng cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS tại Bình Định” với mong muốn những người đàn ông cùng góp sức, chia sẻ với người phụ nữ trong việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của cả hai người, nhất là nữ giới. Tháng 9 tới, chị cũng sẽ tạm xa gia đình và cô con gái nhỏ để ra Hà Nội tiếp tục học cao học y khoa, chuyên ngành y tế cộng đồng. Với chị, bất kỳ nghề nào, bất kỳ công việc nào, nếu say mê và quyết tâm thì đều có thể làm được.

  • Xuân Vinh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng ở TP Quy Nhơn  (21/07/2007)
Tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (21/07/2007)
Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu KT-XT đã đề ra  (21/07/2007)
Xây dựng lực lượng CSND ngày càng tinh nhuệ và từng bước hiện đại  (21/07/2007)
Ông Vũ Hoàng Hà được bầu làm Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XII tỉnh Bình Định  (21/07/2007)
Đề nghị cấp bổ sung hơn 740 triệu đồng chống dịch sốt xuất huyết  (20/07/2007)
Nắng nóng, hàng trăm giếng nước khô cạn  (20/07/2007)
Tổ chức cho 150 già làng, trưởng bản tham quan, nghỉ dưỡng  (20/07/2007)
Đoàn Bình Định đoạt giải nhất  (20/07/2007)
Công an tỉnh tổ chức lễ báo công dâng Bác  (20/07/2007)
Triển khai một số dự án còn chậm  (20/07/2007)
Bình Định được hỗ trợ 550 xe lăn  (20/07/2007)
Viettel Bình Định tặng 10 sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách  (20/07/2007)
Cháy hơn 8 ha rừng trồng ở xã Canh Hiển  (20/07/2007)
Vẫn nóng bỏng chuyện đất đai, môi trường  (20/07/2007)