Bằng uy tín của mình, nhiều năm qua, các già làng thuộc các xã miền núi trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Họ giữ một vai trò không thể thay thế trong cuộc sống cộng đồng ở các làng...
|
Già Bui (thôn 2, xã An Hưng) đang trao đổi công việc với công an thôn.
|
* “Ưng cái bụng” là được !
“Già Vin mà nói là làng mình ưng cái bụng ngay”, đó là nhận xét của hầu hết bà con dân tộc Ba na ở làng K8, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh. Còn nhớ, khi cán bộ trên tỉnh về tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, bà con muốn hiểu cặn kẽ được cũng phải nhờ sự phiên dịch và giải thích của già Vin, lần đó, già Vin còn góp ý cho phương pháp tuyên truyền pháp luật là: “Bà con làng mình không cần cán bộ nói nhiều đâu, chỉ nói cho họ hiểu nam bao nhiêu tuổi hoặc nữ bao nhiêu tuổi mới sống chung mà không vi phạm cái luật là được. Được cái này xong rồi mới tuyên truyền cái khác. Nói hết một lần làng nghe không hết!”. Quả vậy, qua già Vin giải thích, bà con trong làng ai cũng hiểu trai trong làng muốn “bắt” vợ phải đủ 20 tuổi, con gái trong làng muốn “bắt” chồng phải đủ 18 tuổi. Từ đó trở đi, vì nghe theo “cái đầu” của già Vin mà trai gái trong làng không dám “ưng cái bụng” trước tuổi nữa!
* Việc gì khó... có già làng
Chuyện xảy ra tại thôn 2, xã An Hưng, huyện An Lão. Già làng Đinh Văn Bui (còn gọi là già Tua) kể tôi nghe chuyện từ những năm trước đây về gia đình Đinh Văn Kin. Đứa con trai đầu lòng của ông Kin là Đinh Văn Tak lúc đó mới có 16 tuổi nhưng rất khỏe, tự lên núi làm nương rẫy, nhiều cô gái trong làng để ý Đinh Văn Tak, trong đó có O.Rim, một cô gái mới 15 tuổi ở làng khác. Câu chuyện yêu nhau của chúng đến tai già làng Đinh Văn Bui, già làng gọi lên bảo: “Cái Luật Hôn nhân và Gia đình Nhà nước ta dạy con trai lấy vợ phải đủ 20 tuổi, con gái lấy chồng phải đủ 18 tuổi. Hai đứa có thương nhau thì chờ 4 mùa rẫy nữa mới sống với nhau”. Thế là chúng nó nghe được và hẹn ước với nhau chờ đến 4 năm sau mới lấy nhau. Anh Đinh Văn Tak tâm sự: “Mình sợ cái luật của Nhà nước và cái hương ước của làng lắm, nếu “ăn ở sớm với nhau”, già Bui đưa ra làng kiểm điểm thì còn mặt mũi nào sống cái làng này nữa, thế là bọn mình làm theo lời dạy của già Bui, gắng đợi qua mùa rẫy, dành chút ít tiền để ra ở riêng nữa chứ!”. Già Bui còn kể bao nhiêu chuyện xích mích, tranh chấp nhỏ trong làng... đều được già dàn xếp ổn thỏa. Nhiều người trong làng bảo nhau “ Việc gì khó có già...Bui”.
* Già làng nói thì nghe rất mau
Đúng là như vậy, bao nhiêu chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước muốn nhanh chóng đến với đồng bào dân tộc thiểu số thường đều thông qua già làng, bởi một lý do đơn giản: Già làng nói thì đồng bào nghe rất mau. Tại huyện miền núi An Lão hiện có 38 già làng, trong đó có già làng kiêm luôn trưởng thôn, cũng có già làng kiêm luôn bí thư chi bộ thôn. Ở các làng này, vai trò già làng rất lớn. Bằng sự uy tín, lòng nhiệt tình và sự trải nghiệm các già làng đã kịp thời chuyển tải những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con dân tộc thiểu số, và cũng chính họ kịp thời hòa giải, dàn xếp những xích mích, những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân. Còn ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh hiện có 29 già làng đang giữ vai trò rất lớn trong việc gìn giữ an ninh trật tự, cũng như vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làm kinh tế giỏi... Nhờ vậy, bộ mặt ở các làng dân tộc thiểu số thuộc các xã miền núi hiện nay có nhiều khởi sắc.
|