Đầu năm 1946, cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ - với cương vị là Chủ tịch nước - ứng cử tại Hà Nội. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị Chủ tịch ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Từ nhiều nơi khác trong cả nước, đông đảo đồng bào các giới cũng viết thư đề nghị Bác không cần ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí ứng cử Bác vào Quốc hội.
Trước tình cảm tin yêu của đồng bào cả nước, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình. Bác nói rõ: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt qua thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm ơn đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”. Bác đã từ chối đặc quyền dành cho mình và thực hiện đúng trách nhiệm công dân trong cuộc tuyển cử lịch sử này.
Tháng Tư năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử Hội đồng nhân dân cấp huyện xã… của Hà Nội. Khi Người đến địa điểm bỏ phiếu thì có nhiều cử tri đến bỏ phiếu. Tổ bầu cử thấy Bác đến đã ra hiệu cho đồng bào “tạm dừng” để “tạo điều kiện” cho Bác bỏ phiếu trước. Thấy vậy, Bác nói rằng “ai đến trước, viết trước. Bác đến sau, Bác chờ. Bác chờ cho đến hàng mình mới nhận phiếu và vào “buồng” phiếu”.
Hai câu chuyện nhỏ nêu trên là bài học vô cùng quý báu và thấm thía cho tất cả chúng ta. Từ câu chuyện về Bác, mỗi chúng ta dù là cán bộ đảng viên ở cấp nào, cũng cần phải nhớ một điều: chúng ta là công bộc của dân chứ không phải là “quan cách mạng” và không thể có đặc quyền.
|