Từng một thời hy sinh tuổi xuân và sức trẻ cho kháng chiến, trở về với đời thường nữ cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Hồng Nga đã từng bước vượt qua khó khăn của gia đình, đeo đuổi con đường học vấn để trưởng thành trong công việc và cuộc sống.
|
Chị Nguyễn Thị Hồng Nga (người thứ 3 từ trái qua) nhận bằng tốt nghiệp Đại học Kinh tế - ngành Quản trị kinh doanh năm 1998. Ảnh: H.X
|
1. 16 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Hồng Nga (quê ở Hoài Mỹ, Hoài Nhơn) rời làng quê và gia đình- một trong những “cái nôi” của cách mạng để cùng bạn bè gia nhập TNXP phục vụ cho các chiến trường và từng trận đánh của bộ đội chủ lực. Nhỏ bé, gầy gò thế mà có những lúc, Nga đã từng vác 30-40 kg lương thực, thực phẩm, đạn dược… với chiều cao cao hơn cả chiều cao của bản thân mình. “Lúc đó, ai cũng hăng hái và luôn muốn phấn đấu để phục vụ cách mạng tốt hơn nữa mặc dù cái sống- cái chết luôn ở bên lưng…”- Chị Nga tâm sự.
2. Hòa bình lập lại, cũng như rất nhiều cựu nữ TNXP khác, 27- 28 tuổi, chị Nga mới được “xuống núi” và bắt đầu tìm một công việc và hạnh phúc riêng tư cho bản thân mình. Ngày mới gia nhập lực lượng TNXP, các cô gái từ những miền quê Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Vĩnh Thạnh… tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 15-16 tuổi, nhưng bước ra khỏi chiến tranh khốc liệt, họ đã là những cô gái bước vào tuổi “băm”, trình độ học vấn thấp, nhiều người còn chưa biết chữ… Rời nhiệm vụ, hầu hết các nữ TNXP Bình Định đều xin về quê hương, trở về với cuộc sống đời thường và tham gia vào những công việc lao động chân tay, những vị trí công tác không mấy “hứa hẹn”. Trong hoàn cảnh đó, chị Nga đã tỏ ra rất “thức thời”…
3. Hai năm sau, chị Nga lấy chồng. Anh cũng là TNXP cùng đơn vị. Quan điểm “chồng con” của chị cũng hết sức nhẹ nhàng- được là lấy chứ đừng nên “kén cá chọn canh”. Hơn nữa, mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt mình đã nếm trải hết rồi lẽ nào không thể vượt qua những ngọt bùi hay đắng chát của cuộc sống gia đình.
Rồi ngày chị sinh con, đứa trẻ có lẽ do bị ảnh hưởng chất độc hóa học trong những năm tháng ở chiến trường của mẹ nên đã mù 2 mắt. Nước mắt chảy vào trong, chị đã nhiều lần tay xách, nách mang bế con ra tận Hà Nội để chữa trị nhưng cuối cùng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ.
Hoài Quang- con trai đầu của chị hiện nay đã là chàng trai 29 tuổi và sống tự lập ở TP Hồ Chí Minh. Anh bằng lòng với công việc đánh đàn trong nhóm nhạc phục vụ các nhà hàng, quán cà phê để tự nuôi mình và sống có ích cho xã hội.
|
Cô TNXP Hồng Nga (bìa trái) và các bạn những ngày còn ở chiến trường. Ảnh: H.X
|
4. Với trình độ “lớp nhất” (lớp 4, lớp 5) trước giải phóng làm sao có thể bắt nhịp với công việc luôn đòi hỏi trình độ học vấn, chuyên môn cao? Phải “học nữa, học mãi” và không ngừng phấn đấu! Đó là mục tiêu chị Nga đã đặt ra cho mình ngay sau khi về làm kế toán tại Sở GTVT Bình Định. Vậy là dù con còn nhỏ, bệnh tật, kinh tế gia đình những năm bao cấp còn rất khó khăn, chị Nga vẫn kiên trì theo đuổi các lớp học bổ túc văn hóa phổ thông. Rồi chị tốt nghiệp lớp trung cấp kế toán. Hoàn thành chương trình cử nhân Quản trị kinh doanh năm 1998. Tốt nghiệp khóa cao cấp chính trị… “vừa học, vừa làm từ sau năm 1975 cho mãi đến năm 2000 tôi mới thôi việc học”- chị Nga tâm sự.
5. Đến nay, chị Nga đã bước qua tuổi 56 và vừa nghỉ hưu. Từ một nhân viên tại Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông Bình Định (tên gọi hiện nay) chị đã nỗ lực phấn đấu trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị công ty; bí thư chi bộ…
Ông Trần Đình Tạo, Trưởng ban liên lạc cựu TNXP Bình Định cho rằng: chị là một trong những tấm gương của hơn 600 nữ cựu TNXP Bình Định thời chống Mỹ đã biết vượt qua “nghịch cảnh” chiến tranh để nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống thời bình hiện tại.
Còn chị, chị chỉ cho rằng “mình được may mắn hơn các đồng đội của mình”. Bởi vậy, chị luôn muốn “viết tiếp” trang sách về những cựu TNXP bằng một thái độ sống có trách nhiệm, nghĩa tình với những đồng đội một thời sống- chết, ít được may mắn trong công việc và đời riêng.
|