|
Ông Vũ Hoàng Hà |
Trong thời gian tham gia kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII, ông Vũ Hoàng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Định đã có cuộc trò chuyện với báo giới, tâm tư về hoạt động của Quốc hội, kỳ vọng vào một Chính phủ mới mà lần đầu tiên ông tham gia làm ĐBQH.
* Có cần bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ?
* Cảm giác của ông khi lần đầu tiên tham gia ĐBQH và được bầu làm Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh?
- Được cử tri tin tưởng và được các đại biểu trong Đoàn ĐBQH Bình Định tín nhiệm giao trọng trách Trưởng đoàn, tôi cảm thấy thật vinh dự. Là đại biểu, tôi cũng như các đại biểu trong đoàn, không chỉ đại diện cho người dân Bình Định mà còn đại diện cho cử tri cả nước nên trách nhiệm rất nặng nề. Tôi cũng hơi lo lắng một chút về việc cùng lúc phải đảm nhận nhiều vị trí có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Tuy nhiên, tôi đã tính toán, sắp xếp công việc của địa phương để dành thời gian thích đáng tham gia hoạt động của Quốc hội.
* Ông sẽ đóng góp những gì cho Quốc hội khóa XII?
- Trong hoạt động lập pháp, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến của các chuyên gia để đóng góp vào các dự án luật. Tôi nghĩ, Quốc hội khóa XII phải cố gắng để mỗi dự luật khi được ban hành đều có thể triển khai thực hiện ngay mà không cần phải chờ Nghị định hướng dẫn.
Làm bên hành pháp, lại là ĐBQH nhưng tôi không nghĩ điều này có thể gây khó khăn cho cá nhân tôi trong việc thực hiện chức năng giám sát. Ở cương vị Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh, tôi sẽ xây dựng kế hoạch của đoàn và phân công từng đại biểu thực hiện thật tốt chức năng giám sát cũng như các chức năng khác. Thực tế, có đại biểu vì cảm thấy cương vị công tác thường ngày của mình ở thế “thấp cổ bé họng” nên ngại hoặc không dám giám sát cấp cao hơn. Quốc hội khóa XII cần phải xóa bỏ suy nghĩ này, tạo sự chuyển biến để các đại biểu can đảm đương đầu thực hiện chức năng của mình.
* Theo ông, công tác giám sát của Quốc hội nên được đổi mới như thế nào?
- Lâu nay, các ĐBQH hay sa vào giám sát vụ việc. Theo ý của riêng tôi, trước hết phải giám sát các chương trình luật; các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước khi ban hành có được các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc hay không. Tất nhiên, Quốc hội cũng cần giám sát các lĩnh vực nóng như tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
* Ông có nghĩ để luật khi ban hành đi ngay vào cuộc sống cần phải đổi mới quy trình lập pháp không?
- Tôi cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) và các Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật phải thay đổi cách làm luật cũng như cách đưa ra Quốc hội tham gia góp ý. Song song với việc giao cơ quan hành pháp soạn thảo dự luật, các ủy ban của Quốc hội mà chúng tôi đã bầu ra phải cùng lúc với việc thẩm định, tiến hành mời và xin ý kiến các chuyên gia.
Trước khi đưa ra bàn thảo tại Quốc hội, dự thảo phải được chuyển đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật để họ đóng góp ý kiến thật kỹ. Lâu nay, chúng ta cứ đưa dự thảo luật về các địa phương, rồi địa phương mời “đại cử tri” tham gia góp ý kiến. Trong khi đó, đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh lại không được tham gia. Đây là một phần nguyên nhân khiến luật ra đời nhưng không đáp ứng yêu cầu trong cuộc sống của từng đối tượng bị chi phối nên càng chậm đi vào cuộc sống.
Đưa dự luật ra Quốc hội, Ủy ban TVQH nên gợi ý Quốc hội chỉ nên đi vào những vấn đề còn thắc mắc, tranh cãi giữa cơ quan hành pháp- lập pháp, giữa các chuyên gia. Tốt nhất chúng ta nên làm luật theo những phương thức thế giới đang áp dụng, đã được nhiều chuyên gia lập pháp phân tích.
* Cử tri yêu cầu Quốc hội sử dụng hiệu quả hơn công cụ bỏ phiếu tín nhiệm? Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào đã có quy chế quy định. Nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên đặt ra việc bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ hoặc khi có 1, 2 ý kiến đề nghị. Tuy nhiên, bỏ phiếu tham khảo tín nhiệm đối với các quan chức do Quốc hội bầu ra là việc rất cần thiết. Khi bỏ phiếu tham khảo tín nhiệm thì không nhất thiết phải công khai trong Quốc hội mà chỉ cần Ủy ban TVQH, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Thủ tướng biết là đủ. Từ đó, những cơ quan này có thể động viên những người thực hiện tốt nhiệm vụ và nhắc nhở những người chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nếu họ không cố gắng, không làm tròn trách nhiệm đã được giao, lúc đó ta mới lấy tín nhiệm để bất tín nhiệm.
|
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định khóa XI tiếp xúc cử tri TP Quy Nhơn. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Cần mạnh dạn trao quyền cho Thủ tướng
* Trong tuần này, Quốc hội sẽ bầu ra Chính phủ mới, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
- Thời điểm này, Thủ tướng chưa đưa ra những thông tin về việc sắp xếp lại bộ máy và giới thiệu nhân sự nhưng xu hướng chung là một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tránh chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó, sẽ giảm bớt số thứ trưởng và những tổ chức trung gian trong từng bộ.
Tôi cho rằng, nên có thay đổi trong cách làm nhân sự ngay từ kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII. Tất nhiên, công tác cán bộ vẫn là công tác của Đảng, nhưng riêng đối với Chính phủ, nên mạnh dạn trao quyền cho Thủ tướng tự sắp xếp, lựa chọn con người trong bộ máy của mình để tạo thành ê kíp. Ê kíp ở đây phải hiểu theo nghĩa đúng của nó, tức là cùng hiểu biết và quyết tâm làm việc chứ không phải nghĩa bè phái, cục bộ địa phương. Khi Thủ tướng trình nhân sự, các ban Đảng sẽ thẩm định trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị của những nhân vật Thủ tướng đã chọn. Như vậy mọi công việc do Bộ Chính trị quyết định, nhưng Bộ Chính trị có nhiều luồng thông tin, từ Thủ tướng, từ các ban Đảng, để quyết chọn được bộ máy Chính phủ.
* Ông kỳ vọng gì vào Chính phủ mới?
- Mong muốn của tôi là Chính phủ phải đồng thuận, có nghĩa đồng lòng, chung sức, chấp hành mệnh lệnh của nhạc trưởng là Thủ tướng Chính phủ. Khi Chính phủ đã có Nghị quyết thì các thành viên trong Chính phủ phải chung một tiếng nói và tổ chức triển khai thực hiện cho bằng được.
Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu là rất quan trọng, kể cả ở các cấp chứ không phải chỉ ở Trung ương. Nếu người đứng đầu thiếu tinh thần trách nhiệm, Đảng nên kịp thời thay thế.
Thêm nữa, lâu nay tuy nói mãi về cải cách hành chính nhưng các bộ ở Trung ương và các sở địa phương chưa thật sự ngồi lại với nhau xem công việc của cấp dưới hay những đơn vị đề nghị liên quan đến mình để chủ động phối hợp giải quyết. Mà bộ nào, sở nào cũng nghĩ mình là quan trọng, các bộ, sở khác phải đến phối hợp với mình. Chính điều này gây ách tắc và kéo dài thời gian giải quyết. Tôi hy vọng bộ máy Chính phủ mà Quốc hội bầu ra tới đây sẽ đặt công việc lên trên hết, xem công việc của nhà đầu tư, của các đơn vị cấp dưới là công việc của mình để chủ động giải quyết.
* Xin cảm ơn ông!
|