Đảng ta có một sứ mệnh to lớn và cao cả với đất nước, với dân tộc vì “Đảng là đảng cầm quyền”. Vì vậy, trong “Di chúc” trước lúc đi xa, Bác dặn “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh tụ, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Để hoàn thành trọng trách nêu trên, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng và Dân. Bác chỉ rõ: “Phải thực hành dân chủ rộng rãi”, cụ thể: “Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá, lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm sao cho dân yêu, dân mến. Chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh”. Theo Bác, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ phải quán triệt đạo đức cách mạng. Bác nhắc nhở: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”, và nhấn mạnh: “mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, và phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Có như vậy mới tập hợp và lãnh đạo được nhân dân. Tuy nhiên, Bác cũng chỉ rõ: “người lãnh đạo không có nghĩa là đứng trên quần chúng, làm thầy quần chúng” mà phải là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trải qua gần 80 năm, các tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với dân luôn nhất quán và là định hướng để Đảng ta xác định nhiệm vụ, mục tiêu, phương hướng đúng đắn cho từng giai đoạn cách mạng cụ thể.
|