Trong 5 năm liền, từ 2001 đến 2005, tỉ lệ giới tính trẻ sơ sinh của Bình Định luôn vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2007, tỉ lệ này là 126 nam/100 nữ. Mất cân bằng giới tính đã đến mức báo động!
|
Mất cân bằng giới tính sẽ gây ra những hệ quả khó lường. Trong ảnh: Trẻ em trường mầm non tư thục Họa My (Tuy Phước) trong ngày vui đón Tết Trung thu.Ảnh: La Ánh
|
* Nam thừa, nữ thiếu
Lý giải về thực trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra ở tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Ngọc Điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban DS-GĐ&TE tỉnh cho biết, nhiều gia đình vẫn giữ tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Tư tưởng này cùng với nhu cầu cần có con trai để phát triển của một số ngành nghề, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền biển trong điều kiện sự phát triển của y học về sinh con theo ý muốn đã làm cho tỉ lệ sinh con trai tăng lên rõ rệt.
Tại khoa Phụ sản, BVĐK tỉnh, chúng tôi có cuộc thăm dò các bà mẹ và người nuôi đẻ về quan niệm sinh con trai, con gái. Kết quả, đa phần phụ nữ mang thai lần đầu tiên đều thích sinh con trai. Thậm chí, có bà mẹ còn tuyên bố dù con trai có dễ hư hỏng thì vẫn thích hơn là con gái. Chị Nguyễn Thị Hồng, 27 tuổi, ở TP Quy Nhơn, cho biết: “Chồng tôi là con trai “một” nên cả nhà đều muốn có cháu trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên”. Còn bà Thơm, ở huyện Tuy Phước, xuống bệnh viện nuôi con dâu cũng tỏ ra rất phấn khởi khi có đứa cháu trai thứ hai. Với bà “con gái là con người ta, con trai mới là con mình”.
Chính những quan niệm nói trên đã trở thành gánh nặng đè lên vai các cặp vợ chồng, kể cả những gia đình có học thức. Chị Lê Thị Lan, TP Quy Nhơn, 38 tuổi mang thai lần thứ hai, khi siêu âm biết mình sẽ sinh con gái nữa, chị rất buồn: “Nếu không vì thai đã lớn, tôi đã phá bỏ rồi. Cháu thứ hai này cũng là bé gái, tôi không biết phải nói sao với gia đình chồng vì cả nhà đều trông chờ cháu trai”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điểm, đã có tình trạng một số cơ sở hành nghề y tế tư nhân chẩn đoán giới tính khi thai nhi khoảng 2-3 tháng tuổi làm xuất hiện hiện tượng loại bỏ thai nhi không như mong muốn. Điều này vi phạm Pháp lệnh dân số. Do đó, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cơ quan chức năng cần phải có động thái tích cực trong việc quản lý và xử lý nghiêm các cơ sở y tế chẩn đoán giới tính thai nhi cho mục đích trên. |
Tại BVĐK TP Quy Nhơn, số bé trai được sinh ra nhiều hơn bé gái. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Trưởng khoa Sản, cho biết: “Trình độ y học ngày càng tiến bộ nên việc sinh con theo ý muốn càng dễ dàng hơn. Hầu hết các cặp vợ chồng đều cố ý để sự thụ tinh mang lại thai nhi là con trai”.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2007, khoa Phụ sản BVĐK tỉnh có hơn 1.000 bé trai chào đời, trong khi số bé gái chỉ hơn 800 cháu. Còn tại BVĐK TP Quy Nhơn, năm 2006 có 751 bé trai và 757 bé gái chào đời, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2007, có 286 bé gái được sinh ra, trong khi số bé trai lên tới 342 cháu.
* Trở ngại phát triển xã hội
Ông Nguyễn Ngọc Điểm khẳng định: “Thực trạng mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh hiện nay không chỉ gây nguy hại cho cơ cấu và chất lượng dân số mà còn dẫn đến những bất ổn trong xã hội chỉ sau 10-20 năm nữa”. Tỉ lệ giới không còn ổn định, làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Kinh nghiệm từ nước láng giềng Trung Quốc cho thấy, mất cân bằng giới tính đã dẫn đến tình trạng bóc lột sức lao động, mua bán phụ nữ…
Một thực tế không thể phủ nhận là khi văn hóa, kinh tế phát triển sẽ có nhiều ngành nghề mà ở đó người phụ nữ đóng vai trò chính. Nếu cơ cấu giới bị mất cân bằng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền văn hóa ngành nghề do phụ nữ xây dựng. Kết quả, người phụ nữ lại tiếp tục đóng vai trò là cái máy sinh sản trong gia đình.
* Phải kéo nam giới vào cuộc
Từ năm 2000 đến 2005, tỉ lệ trẻ em trai/trẻ em gái ở tỉnh Bình Định lần lượt là 106/100, 109/100, 107/100, 107/100, 110/100, 112/100. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2007, số trẻ sinh ra tại Bình Định là 8.450 cháu, trong đó số trẻ em trai là 4.713 cháu và trẻ em gái là 3.737 cháu, tỉ lệ 126/100 trẻ. |
Ông Điểm thừa nhận: “Chúng ta vẫn chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được vấn đề cân bằng giới tính là bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của xã hội”.
Tâm lý mong muốn có con trai khiến nhiều phụ nữ bị chết do các tai biến trong quá trình thai nghén và sinh nở. Sự tham gia và chia sẻ của nam giới có thể tạo ra một sự khác biệt lớn lao trong cuộc sống của người phụ nữ. Xã hội tiến bộ nếu nam giới ngăn cản việc kết hôn sớm, ủng hộ chuyện học hành của trẻ em gái, chăm sóc sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của người phụ nữ. Khi giá trị của trẻ em gái được ngang bằng với trẻ em trai, các ca nạo phá thai lựa chọn giới tính sẽ ít đi.
|