Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, tôi gọi cánh thợ hồ đến xây lại công trình phụ đã “quá đát”. Đang bở hơi tai ngồi “đánh vật” với đống xà bần thải ra thì người bạn thân ghé chơi, mách nước: “Việc này ông phải gọi thợ đụng chớ mình làm sao cho xuể?”.
|
Ngồi đợi việc.
|
* “Chân dung” nghề
Trong lúc tôi còn đang ngơ ngác thì anh bạn giải thích: “Mình không quen những việc “thổ mộc” nên chuyển hết đống xà bần này quả là cực hình. Đơn giản nhất là gọi thợ đụng”. Để chứng minh lời mình nói, anh bạn quày quả phóng xe đi. Mười phút sau, anh quay lại cùng một “thợ đụng”. Nhìn đống xà bần, anh Minh- tên người “thợ đụng” ra giá: “Nếu khoán là 30 ngàn. Còn tính theo xe, mỗi xe 12 ngàn. Đảm bảo đổ đúng nơi quy định”. Đến lúc này, tôi mới thực sự thở phào nhẹ nhõm…
Theo anh Minh, “thợ đụng” như anh có nghĩa là ai kêu gì làøm nấy, “đụng” việc gì cũng làm, từ việc chở giường, tủ, đất, cát, xi măng, sắt thép, xà bần đến cả việc múc hầm cầu… miễn là kiếm được tiền từ sức lao động của mình. Trước đây, anh chạy xe ba gác, cũng là chở hàng nhưng thuộc hợp tác xã. Từ khi HTX xích lô- ba gác giải thể, anh trở thành hành nghề tự do. Mấy anh em quen biết rủ nhau tụ tập thành “bến” giống như “chợ” lao động.
Phương tiện hành nghề của “thợ đụng” bao gồm xe ba gác, xẻng, cuộn dây thừng. Điều quan trọng là sức khỏe phải tốt. Ngày 2 buổi “thợ đụng” tập trung tại “bến”. Rảnh rỗi thì ngồi đọc báo, tán gẫu… Khi người có việc đến tìm thì thỏa thuận giá cả và… lên đường. Anh Minh cho biết: “Tui ngồi ở ngã ba Trần Phú- Lý Thường Kiệt (TP Quy Nhơn) hơn chục năm rồi. Khách quen cũng nhiều. Hễ ai có việc chạy xe đến “ới” một tiếng là tui đi”.
Gần 70 tuổi với hơn 30 năm làm nghề “thợ đụng” nhưng trông ông Ánh vẫn còn phương phi, khỏe mạnh. Ngày nào ông cũng đẩy xe ba gác ra ngồi dưới bóng mát của cây bàng nơi góc đường Ngô Quyền - Tăng Bạt Hổ (TP Quy Nhơn) để đợi việc. Người ta thường tìm đến ông để giao việc vì tính ông chịu khó và quan trọng là ông rất… khỏe! Các con của ông đều đã trưởng thành. Họ không muốn ông nhọc nhằn với cái nghề ông đã làm hơn 30 năm qua. Nhưng ông thì lại nghĩ khác: “Quan trọng là thấy mình vẫn còn khỏe. Ở nhà ngồi không có khi lại bịnh thêm”. Anh Minh- một “đồng nghiệp” chung bến với ông tỏ vẻ khâm phục: “Già nhưng ổng “cày” dữ lắm. Ai kêu gì cũng làm. Sức trẻ bọn tui còn thua ổng xa”…
* Nhọc nhằn và bấp bênh...
Cảnh ngồi đợi việc của cánh “thợ đụng” giống như trò… câu cá khi được khi không. Những dáng ngồi bó gối trầm mặc, nhẩn nha nhìn dòng người đi qua trên đường. Đôi khi, mệt quá thì nằm co trong thùng xe ngủ thiếp đi một giấc. Thế nhưng, mỗi khi có người chạy xe rà rà ngang khu vực “chợ” với dáng vẻ cần người làm thì hầu hết cánh thợ đều bừng tỉnh. Thỏa thuận xong thì “phốc” lên xe với nụ cười rạng rỡ. Họ luôn trong tình trạng “thèm” việc.
Anh Cường- một “thợ đụng” thường ngồi “bến” trên đường Bạch Đằng tâm sự: “Nghề này bấp bênh lắm. Có hôm thì việc làm không hết nhưng có hôm ngồi không cả ngày chẳng ma nào ngó. Một buổi được người ta kêu chở vài ba chuyến xe là thấy mừng rồi. Thế nên, có “mối” là tôi tranh thủ “dợt” liền”.
|
Nhọc nhằn mưu sinh. |
Anh Sơn, nhà ở đường Nguyễn Văn Bé, 39 tuổi đời nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm lái xe ba gác chở hàng và hơn 10 năm gắn bó với “chợ” lao động trên đường Mai Xuân Thưởng. Anh kể: “Từ hồi học cấp 2 tui đã phụ ông già chạy xe ba gác. Phụ được 2 năm ông già đau yếu ngồi nhà, tui chính thức ra nghề”. Hiện tại, nghề “thợ đụng” của anh là thu nhập chính nuôi gia đình. Vợ anh ở nhà buôn bán lặt vặt phụ nuôi 2 đứa con ăn học. Anh trầm ngâm: “Mình không được học hành bằng cấp nên mới “nối nghiệp” ông già làm cái nghề tận cùng này. Cũng ráng cho tụi nhỏ ăn học để may ra còn đổi đời. Nhưng xem ra…”. Câu nói bỏ dở giữa chừng như hàm chứa nỗi băn khoăn, liệu cái nghề bấp bênh này có nuôi nổi những ước mơ?
Bãi đổ xà bần nằm trên đường Đống Đa một ngày có hàng trăm xe ba gác của cánh “thợ đụng” ra vào. Tại đây, tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt xanh mét, những lưng áo ướt đẫm mồ hôi cùng những bước chân trĩu nặng đẩy xe đi dưới cái nắng gay gắt của mùa hè. Cuối đường Phan Đình Phùng tiếp giáp với Đống Đa để đi vào bãi xà bần có một con dốc. Dốc chưa hẳn cao nhưng nó khiến những người “thợ đụng” phải cúi gập người, oằn vai mỗi khi đẩy xe vượt dốc.
Anh Lợi, một “thợ đụng” thường xuyên đổ xà bần ở khu vực này, kể: “Chở khoán thì mình chịu khó chia ra nhiều chuyến cho xe đỡ nặng. Còn nếu tính theo xe thì bao giờ xúc xà bần lên xe cũng có sự “giám sát” của chủ nhà. Gặp người kỹ tính, xẻng nào đổ lên xe chủ nhà đều lấy gạch lèn xuống cho chặt. Gặp mấy xe này “bò” lên nửa dốc là thấy hết thở được, chỉ còn nước đi đường vòng hoặc nhờ sự trợ giúp của “đồng đội””. 10, 15 ngàn cho một chuyến xe tuỳ thuộc vào độ dài ngắn của đoạn đường. Những đồng tiền mặn chát mồ hôi được đánh đổi bằng sự nhọc nhằn như họ quả là điều đáng quý.
* Đôi lời kết...
Khi thấy tôi có vẻ “quan tâm” đến “nghề”, những “thợ đụng” hồ nghi. Có người còn hỏi thẳng: “Bộ tính điều tra để cấm xe ba gác hả? Nghe nói, có nơi đã ra lệnh cấm”. Đối với họ, điều quan tâm là chiếc “cần câu cơm” có còn sử dụng được hay không. Tôi thành thật nói với họ rằng cấm hay không, tôi không được biết. Tôi chỉ tìm hiểu về một nghề tuy nhọc nhằn nhưng “sống được” giữa đời thường.
Cũng có đôi khi họ chạy lấn tuyến, chở hàng cồng kềnh… Nếu không có gì quá đáng thì cũng mong người đi đường một chút cảm thông. Nhọc nhằn nên đôi khi họ phải “rướn” người một chút… Nhưng nghề của họ tồn tại bởi xã hội đang cần. Ví như tôi (và rất nhiều người nữa), dọn vài xe xà bần trong một căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ hay có vài việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng nặng nhọc, có cách nào khác hơn ngoài việc tìm đến họ?
|