|
Công dân đến chứng thực văn bản tại UBND phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn). Ảnh: H.H |
Kể từ ngày 1.7.2007, UBND cấp xã, phường, thị trấn (cấp xã) trong tỉnh thực hiện việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. Qua một tháng triển khai thực hiện đã nảy sinh vướng mắc từ thực tế, nhất là việc chứng thực bản sao, giấy tờ song ngữ? Chúng tôi trao đổi với ông Võ Đình Thú, Phó giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này.
* Thưa ông, một thực tế hiện nay, nhiều người dân đến UBND cấp xã yêu cầu chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ song ngữ (có tiếng Việt và tiếng nước ngoài), nhưng cán bộ-tư pháp hộ tịch từ chối, vì theo họ văn bản, giấy tờ có yếu tố nước ngoài (chữ nước ngoài) thuộc thẩm quyền phòng tư pháp cấp huyện?
- Đúng là hiện nay có tình trạng như vậy, bởi Nghị định 79/2007/NĐ-CP ngày 18.5.2007 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký (gọi tắt Nghị định 79) chưa quy định rõ thẩm quyền chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ song ngữ thuộc thẩm quyền cơ quan nào. Tại khoản 1, Điều 5 của Nghị định 79 quy định phòng tư pháp cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm: Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài. Do vậy, tùy vào trường hợp cụ thể mà thẩm quyền chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ song ngữ thuộc phòng tư pháp cấp huyện hoặc thuộc thẩm quyền cấp xã.
* Ông có thể nói cụ thể việc nào thuộc phòng tư pháp, việc nào thuộc UBND cấp xã?
- Giải quyết vướng mắc này, Giám đốc Sở Tư pháp đã có công văn 1156/STP-HT ngày 26.7.2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định 79/2007/NĐ-CP. Theo đó, chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ song ngữ (có tiếng Việt và tiếng nước ngoài), đối với văn bản yêu cầu chứng thực bản sao có tiếng nước ngoài là ngôn ngữ giải thích, hoặc bản sao có tiếng Việt là ngôn ngữ giải thích, do cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành, thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc về UBND cấp xã. Đối với văn bản yêu cầu chứng thực là bản sao có tiếng Việt là ngôn ngữ giải thích, do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, tổ chức nước ngoài, hoặc tổ chức nước ngoài đặt tại Việt Nam ban hành thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc phòng tư pháp huyện, thành phố. Chứng thực bản sao văn bản, giấy tờ chỉ có tiếng nước ngoài do cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam ban hành thì thẩm quyền chứng thực bản sao thuộc phòng tư pháp các huyện, thành phố.
* Thời gian giải quyết việc chứng thực cho công dân là bao lâu, thưa ông?
- Thời gian thực hiện được rút ngắn, cụ thể yêu cầu chứng thực của công dân được tiếp nhận trong thời gian làm việc buổi sáng hoặc buổi chiều thì phải thực hiện và trả kết quả ngay trong buổi làm việc đó; trường hợp yêu cầu chứng thực với số lượng lớn thì việc chứng thực có thể được hẹn lại để chứng thực sau nhưng không quá 2 ngày làm việc, trường hợp xác minh làm rõ nhân thân của người yêu cầu chứng thực chữ ký thì thời hạn trên được kéo dài thêm nhưng cũng không được quá 3 ngày làm việc.
|