Là người theo dõi mảng tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ khá lâu và đây là năm Bình Định có nhiều thủ khoa, á khoa nhất. Có thể kể tên ra như Nguyễn Xuân Tùng học sinh trường THPT số 2 Tuy Phước là thủ khoa Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 TP.HCM. Thủ khoa ĐH Ngân Hàng TP.HCM Đào Thị Kiều Nhi học sinh trường Quốc học Quy Nhơn. Thủ khoa Trường ĐH Nông lâm TP.HCM Trần Thanh Bình, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Thủ khoa trường CĐ Nguyễn Tất Thành TP.HCM Nguyễn Tiệp Khắc là học sinh trường THPT Nguyễn Diêu, Tuy Phước. Và cùng thủ khoa khối D1 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là Nguyễn Thị Thùy Dương học sinh Trường Quốc học Quy Nhơn. Cùng hai á khoa khối B của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) là Huỳnh Văn Lộc, học sinh trường THPT Số 1 Phù Cát và Trần Lâm Ẩn học sinh trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Khi viết bài này, tôi đắn đo không biết có nên dùng từ được mùa hay không? Trong khi đó thông tin về thủ khoa, á khoa mà Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Quách Tuấn Ngọc gửi cho tôi hàng ngày, thì đa số các thủ khoa, á khoa đều rơi vào hầu hết là thí sinh các tỉnh phía Bắc. Miền Trung chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là những thủ khoa, á khoa của Bình Định thường nằm ở những trường có lượng thí sinh dự thi đông ngất ngưởng như ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Ngân Hàng TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM…. Và nhìn chung –nếu có một tính toán chuẩn xác- tôi vẫn tin rằng Bình Định sẽ nằm trong top các tỉnh từ miền miền Trung trở vào phía Nam có lượng thủ khoa, á khoa nhiều nhất tại trong các trường ĐH, CĐ ở TP.HCM.
Một đồng nghiệp của tôi, anh Đặng Đại là biên tập viên tòa soạn là người gốc Hoài Ân nghe chuyện cũng hào hứng kể về hàng loạt những thủ khoa người Bình Định mà anh biết, và cuối cùng kết thúc bằng niềm tự hào: “Bình Định mình cũng là miền đất học!”. Tôi biết điều này mọi người cũng đã nghĩ đến từ lâu, muốn nói từ lâu nhưng hình như để nói đến cụm từ đó, mọi người còn chưa… mạnh miệng lắm. Thế nhưng với những gì mà các thí sinh Bình Định thể hiện trong các kì thi vừa qua lẫn trong kì tuyển sinh này. Hay câu chuyện của một thời về anh Nguyễn Mạnh Huy ở Tuy Phước từng bị vướng cái gọi là “lý lịch xấu” không được học đại học vẫn kiên trì thi đại học đã làm dấy lên làn sóng đề nghị bãi bỏ việc xét “chủ nghĩa lý lịch”, cho đến câu chuyện Nguyễn Chí Hiếu được mệnh danh là “chàng sinh viên xuất sắc nhất thế giới”, cũng đủ để khẳng định một điều rằng Bình Định không chỉ là miền đất võ, mà còn là miền đất học.
(Báo Tuổi Trẻ TP HCM)
|