Có nên đánh thuế các trường mầm non ngoài công lập?
9:17', 7/8/ 2007 (GMT+7)

Gần đây, việc Chi cục thuế TP Quy Nhơn triển khai kê khai nộp thuế đối với các trường mầm non (MN) ngoài công lập tại TP Quy Nhơn đã tạo các luồng dư luận trái chiều. Là bậc học “nền tảng” nhưng lâu nay, MN chỉ nhận được sự đầu tư thấp nhất của nhà nước so với các bậc học khác, đa số học sinh (HS) đi học phải đóng học phí… Vậy, có nên đánh thuế ?

 

Một lớp mẫu giáo tại cơ sở tư thục Hoa Phượng.

 

* MN tư thục - phát triển nhờ “xã hội hóa”

TrườngMN tư thục Sao Mai ở đường Hàn Thuyên do các soer Dòng Mến Thánh giá xin phép thành lập từ năm 1996. Đây là trường MN tư thục có quy mô nhất, nhì của TP Quy Nhơn. Trường hiện tại có 10 lớp, 295 HS. Nhờ có cơ sở khang trang, sân chơi rộng rãi, giáo viên yêu nghề mến trẻ nên nhiều phụ huynh HS từ các phường trong thành phố đều muốn gởi con ở đây. Năm học này, trường dự kiến cải tạo thêm 2 phòng học để nhận thêm khoảng 60 cháu nữa.

Trường lớp phát triển, tuy nhiên doanh thu của trường cũng không nhiều do thu học phí thấp, chỉ 85 ngàn đồng/HS/tháng. Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Hiệu trưởng trường cho biết: “Mức sống của đa phần phụ huynh HS còn thấp nên chúng tôi không thể tăng học phí. Nhưng với mức thu như thế này, có tháng trường thu không đủ chi…”.

TrườngMN tư thục Sao Mai có 27 cán bộ, giáo viên. Giáo viên được trả lương theo ngạch, bậc, thấp nhất là 650 ngàn đồng/GV/tháng, cao nhất là 1,1 triệu đồng/GV/tháng. Ngoài ra, trường còn phải chi phí rất nhiều khoản khác như mua đồ dùng, đồ chơi cho HS, trang bị cơ sở vật chất, văn phòng phẩm… tất tật đều từ nguồn thu học phí.

Cơ sở MN tư thục Hoa Phượng, đường Nguyễn Duy Trinh chỉ có 2 lớp với 60 HS. Cơ sở này cũng thu học phí 90 ngàn đồng/HS/tháng để trả lương cho GV và duy trì các hoạt động của trường. Bà Huỳnh Thị Liên, chủ cơ sở cho biết: “Với mức thu học phí như thế này, chúng tôi không thể trả lương GV cao hơn được (từ 600 ngàn đồng - 700 ngàn đồng/GV/tháng)…”.

Theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, các cơ sở MN tư thục của TP Quy Nhơn đã phát triển khá mạnh mẽ. Đến nay, toàn thành phố đã có 32 cơ sở MN tư thục (trong đó 7 trường quy mô và 25 cơ sở MN có từ 1- 4 lớp) thu hút 3.293 cháu. Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng GD- ĐT TP Quy Nhơn cho biết: “Các cơ sở MN tư thục đã góp phần rất lớn trong việc phát triển mạng lưới trường lớp MN, tạo điều kiện cho hầu hết trẻ trong độ tuổi được nuôi dạy, chăm sóc và giáo dục tốt. Bên cạnh đó, sự ra đời của hệ thống MN tư thục đã góp phần tạo công ăn việc làm cho một bộ phận giáo viên MN ra trường chưa có việc làm”.  

* Đánh thuế trên học phí

Cũng như các đơn vị ngoài công lập khác, trường tư thục đều dựa vào khoản thu học phí để tồn tại và phát triển. Đối với các cơ sở tư thục ở ngoại thành để thu hút được học sinh, nhiều nơi thu học phí còn thấp hơn so với quy định của nhà nước (các trường tư thục ở vùng ven phường Bùi Thị Xuân chỉ thu học phí 60 ngàn đồng/HS/tháng). Thu học phí thấp, các cơ sở trả lương cho GV cũng thấp. Từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, trong khi hầu hết GV MN dạy tư thục đều được đào tạo chính quy, chuẩn hóa và trên chuẩn, công việc chăm sóc, giáo dục trẻ thơ lại hết sức vất vả cực nhọc.

Là một thành phố tỉnh lỵ có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển nhất so với các huyện còn lại, do đó, theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, hầu hết các cơ sở MN của thành phố đều thuộc hệ ngoài công lập với 8 trường bán công, 16 trường mẫu giáo dân lập, 32 trường, cơ sở MN tư thục và 4 trường mẫu giáo công lập ở 4 xã đảo, thu hút khoảng 9.740 HS từ 3-5 tuổi.

Theo quy định nộp thuế của ngành thuế thì chỉ có 4 trường mẫu giáo ở Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Hội (541 HS) là nằm ngoài đối tượng thu thuế. Trong khi đó, đối với HS mẫu giáo dân lập (3.664 HS), lâu nay vẫn là đứa con “èo uột” nhất trong ngành học, để trả được lương tối thiểu cho GV, khối đã phải huy động từ 3 nguồn: thu học phí (15 ngàn đến 20 ngàn đồng/HS/tháng); hỗ trợ từ ngân sách địa phương và ngân sách thành phố. Do đó, nếu phải đánh thuế trên đầu HS, e rằng khối mẫu giáo này sẽ tiếp tục không ổn định và phát triển được.

 

Trường Mầm non tư thục Sao Mai là một trong những trường có cơ sở vật chất khá tốt trong khối mầm non tư thục.

 

* Hãy “khoan sức dân”!

Trước hết, phải khẳng định việc triển khai các quy định quản lý thu thuế đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập của Chi cục thuế TP Quy Nhơn là theo đúng quy định của pháp luật, thể hiện qua hệ thống văn bản pháp lý từ trung ương đến địa phương.

Ông Ngô Ngọc Tạ, Phó chi cục trưởng Chi cục thuế TP Quy Nhơn cho biết, theo quy định, các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ phải chịu 2 khoản thuế: Thuế Môn bài (thực chất đây là khoản thu mang tính chất lệ phí, thu mỗi năm 1 lần) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với các trường ngoài công lập có hệ thống sổ sách kế toán (7 trường MN tư thục, 8 trường MN bán công) sẽ được tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp: doanh số học phí thu được - chi phí x 10% (thuế suất); còn đối với 16 trường mẫu giáo dân lập, sẽ được tính thuế theo cách: doanh số x tỉ lệ thu nhập chịu thuế x 10%.

Các quy định về khuyến khích đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và khuyến khích xã hội hóa giáo dục cũng đã quy định chính sách ưu đãi về thuế suất thuế TNDN, miễn giảm thuế TNDN (đối tượng hưởng ưu đãi có điều kiện và có thời hạn). Ông Tạ cho biết: “Mục đích triển khai thu thuế các cơ sở giáo dục ngoài công lập là để quản lý theo đúng quy định của pháp luật thuế chứ chúng tôi cũng không đặt ra hiệu quả thu thuế đối với các hoạt động này”.

Sự chuyển đổi các loại hình giáo dục MN đang đặt các trường trong tình trạng chưa ổn định (nhiều trường công lập chuyển sang bán công vẫn phải cần đến sự hỗ trợ của nhà nước để trả lương cho GV)… Đặt ra vấn đề thu thuế “MN” trong lúc này sẽ gây nên những áp lực tâm lý không tốt cho các trường và xã hội.

  • Ngọc Quỳnh

* Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn: Trước mắt, bên cạnh việc triển khai hướng dẫn kê khai nộp thuế đối với các trường MN ngoài công lập theo đúng quy định của pháp luật, Phòng GD- ĐT cũng đã báo cáo với lãnh đạo thành phố để xin ý kiến và chủ trương về vấn đề này. Theo tôi, việc đặt ra vấn đề thu thuế sẽ rất khó cho các trường trong thu hút HS và đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trường học.

* Cô giáo Nguyễn Thị Điểm, dạy tại cơ sở MN tư thục Hoa Phượng: Tôi quê ở Phước Hiệp (Tuy Phước), vừa tốt nghiệp Trường CĐSP Bình Định, đến Quy Nhơn ở trọ để dạy học với mức lương 700 ngàn đồng/tháng không đủ để trang trải các chi phí ăn, ở, sinh hoạt. Tôi mong muốn được tăng lương và được đóng bảo hiểm xã hội... để đảm bảo cho tương lai lâu dài.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình định được mùa thủ khoa, á khoa  (06/08/2007)
Ai chứng thực bản sao giấy tờ song ngữ?  (06/08/2007)
Kiên quyết đưa các hộ buôn bán hàng trái cây vào chợ tạm  (06/08/2007)
Thợ đụng  (04/08/2007)
Hội nghị phổ biến nhanh Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X)  (04/08/2007)
19 doanh nghiệp nợ tiền BHXH trên 12,2 tỉ đồng  (04/08/2007)
Toàn tỉnh có mưa vừa  (04/08/2007)
Thêm một thí sinh Bình Định đỗ thủ khoa đại học  (04/08/2007)
1 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng 50 căn nhà cho hộ nghèo  (03/08/2007)
Báo động thực trạng mất cân bằng giới tính !  (03/08/2007)
Toàn tỉnh có 3.532 trường hợp lấn chiếm đất đai trái phép  (03/08/2007)
Đã xảy ra mưa trên địa bàn toàn tỉnh  (03/08/2007)
Phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, Cháu ngoan Bác Hồ  (03/08/2007)
Hội tụ những “bông hoa” nghìn việc tốt  (02/08/2007)
Những “sao sáng” nhận giải thưởng Kim Đồng năm học 2006 - 2007  (02/08/2007)