Một cán bộ từng làm công tác giao thông, bảo vệ Bác trước cách mạng trở thành cán bộ cấp trung đoàn trong kháng chiến chống Pháp. Cán bộ này tính tình nóng nảy nên thường hay quát mắng, thậm chí cả… “bợp tai” chiến sĩ dưới quyền.
Được tin nhân dân “dư luận” như vậy, Bác cho gọi cán bộ này lên Việt Bắc gặp Người. Bác dặn trạm đón tiếp, dù cán bộ được gọi có đến sớm thì cũng giữa trưa mới cho vào gặp. Trời mùa hè, nắng chang chang như đổ lửa, lại đi bộ đúng ngọ nên “đồng chí cán bộ trung đoàn” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi thì Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi vừa rót còn bốc hơi nghi ngút và một cốc nước đã nguội.
Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng và nói: “Chú uống đi”. Đồng chí cán bộ lập tức kêu lên: “Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được”. Bác mỉm cười: “À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội, mát không?”. “Dạ có ạ” - đồng chí cán bộ lập tức trả lời. Lúc này, Bác mới nghiêm nét mặt, nói: “Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn”.
Đến lúc này đồng chí cán bộ mới hiểu vì sao Bác cho gọi lên gặp và hiểu điều mà Bác muốn giáo dục mình. Đồng chí đã nhận lỗi và hứa sửa chữa, khắc phục ngay khuyết điểm của mình.
|