|
Các nhà hảo tâm đến với những bệnh nhân HIV/AIDS ở Trung tâm 05-06. Ảnh: Phạm Văn Chai |
Cho đến nay, công tác điều trị cho bệnh nhân (BN) HIV/AIDS ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tâm lý của một bộ phận nhân viên y tế không thích làm việc trong môi trường này, trong khi đó số BN được điều trị bằng thuốc kháng retrovirus (ARV) rất khiêm tốn.
* Thiếu hụt... nhân viên y tế
Đây chính là trở ngại lớn nhất trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta mà Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thiếu hụt” này là do tâm lý “ngại” làm việc trong môi trường BN có HIV/AIDS của một bộ phận nhân viên y tế.
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh là đơn vị chuyên khoa tuyến tỉnh có đơn nguyên với 15 giường bệnh điều trị nội trú cho trường hợp BN AIDS mắc lao. Nhưng chỉ mới hơn một năm nay, bệnh viện mới chính thức có đội ngũ chuyên trách điều trị và chăm sóc BN AIDS. Đội có 7 thành viên, gồm: 1 bác sĩ đồng thời là trưởng khoa Khoa điều trị Lao-HIV và Bệnh phổi, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm, 1 hộ lý và 4 điều dưỡng (hầu hết là nhân viên hợp đồng). Theo thạc sĩ Châu Văn Tuấn, Giám đốc bệnh viện, đây là đội chuyên trách khá ổn định. Trước đây, bệnh viện cũng đã từng có 2 bác sĩ “tự nguyện” làm chuyên trách AIDS nhưng người làm nhiều cũng chỉ 1 năm, còn người làm ít chỉ được vài tháng đã nhất quyết xin chuyển vị trí.
Mặt khác, hầu hết BN HIV/AIDS đến điều trị nội trú không được người thân chăm sóc, thăm nom thường xuyên. Nhiều BN có người thân nhưng khi chết lại trở thành… vô thừa nhận, nhân viên y tế đảm trách luôn phần việc này nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Có một thực tế, cách đây vài năm, cũng vì những lý do nói trên, cộng với quan niệm HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nên hễ có BN AIDS vào điều trị thì ngay lập tức các cơ sở y tế “đùn đẩy” về Bệnh viện chuyên khoa Lao (nay là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).
Thạc sĩ Châu Văn Tuấn cho biết: “Với những người trực tiếp làm nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho BN AIDS, sự rủi ro nghề nghiệp dễ xảy ra hơn cả. Hơn nữa, tâm lý phức tạp của một số BN và người nhà BN, chế độ chính sách dành cho cán bộ nhân viên y tế chưa thỏa đáng… nên việc bố trí nhân sự làm việc ở vị trí này rất khó khăn”.
Năm 2004, mô hình phòng khám và điều trị ngoại trú đặt tại BVĐK tỉnh (nằm trong khuôn khổ dự án LIFE-GAP) với sự đầu tư về kinh phí, nhân lực đã phần nào đáp ứng nhu cầu được điều trị và tư vấn chăm sóc sức khỏe của BN AIDS. Tuy nhiên, đến tháng 3.2007, khi dự án này kết thúc, phòng khám được đưa về BVĐK tỉnh quản lý thì ngay lập tức đội ngũ y bác sĩ phục vụ cũng không còn ổn định.
* Thuốc... chờ BN!
Cho đến thời điểm hiện nay, tức là sau 3 năm triển khai, chỉ có một số rất ít BN AIDS ở Bình Định được tiếp cận với thuốc ARV.
Năm 2005, Bộ Y tế cấp cho tỉnh ta 30 cơ số thuốc ARV. Trên cơ sở này, Trung tâm Y tế (TTYT) Dự phòng cấp 15 cơ số cho 4 đơn vị: BVĐK tỉnh, TTYT TP Quy Nhơn, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, BVĐK Khu vực Bồng Sơn. Song, chỉ duy nhất BVĐK tỉnh dùng hết 6 cơ số, các đơn vị còn lại không mất một viên nào.
Năm 2006, Bộ Y tế tiếp tục cấp thêm cho tỉnh ta 10 cơ số. Lần này, ngoài 4 đơn vị nói trên, TTYT Dự phòng tỉnh phân bổ thêm cho 5 trung tâm y tế huyện. Số lượng thuốc có hạn nên ngành Y tế chủ trương chỉ ưu tiên cấp cho những địa bàn có nhiều BN. Thế nhưng, kết quả hoàn toàn ngược lại. Tính từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 12 BN AIDS được điều trị ARV. Đây là con số thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 17 BN được điều trị ARV đến năm 2007 của ngành.
Đến nay, ở tuyến tỉnh chỉ có BVĐK tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, BVĐK Khu vực Bồng Sơn; tuyến huyện/thành phố cũng chỉ có BVĐK huyện Hoài Nhơn, BVĐK TP Quy Nhơn… có điều trị ARV cho BN AIDS.
Bác sĩ Võ Khắc Thành, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết: “Hiện nay, cơ chế tổ chức, nhân lực quản lý, điều trị BN AIDS chưa cụ thể trong khi phác đồ điều trị thuốc ARV rất nghiêm ngặt. Khi điều trị ARV, người nhiễm cần phải đáp ứng trên 95% quy định của phác đồ mới có hiệu quả. Sắp tới, ngành sẽ thành lập ban chuyên môn để có quy trình xét duyệt những BN đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc ARV”.
Tình trạng thuốc bỏ kho, không có BN để điều trị đã kéo dài trong nhiều năm qua. Được biết, mới đây, Bộ Y tế đã ra văn bản gửi một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bình Định đề nghị thu hồi 9.970 viên Zidovudine 300mg vì đã cận “date” sử dụng. Trong khi đó, theo bác sĩ Thành, sắp tới, tỉnh ta có thể không nhận thêm thuốc ARV vì không có… BN.
* Chủ động trong khâu điều trị
Hiện nay, để tạo điều kiện tối đa cho BN AIDS được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngành Y tế đã quy định: những cơ sở y tế có điểm xét nghiệm HIV (từ tuyến huyện trở lên) có thể điều trị cho BN AIDS và bệnh thuộc chuyên khoa nào sẽ do chuyên khoa ấy đảm nhận. Sắp tới, Sở Y tế cũng sẽ tổ chức cuộc họp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và BVĐK tỉnh bàn biện pháp hỗ trợ toàn bộ kinh phí xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng để điều trị cho BN tại phòng khám ngoại trú.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thành cũng cho rằng: “Thuốc ARV không phải là thuốc chữa khỏi bệnh nhưng nó có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi rút HIV trong cơ thể để kéo dài sự sống cho BN lên 10, 15 năm. Vì thế, người có HIV/AIDS cũng nên xóa bỏ sự mặc cảm bệnh tật, chủ động tìm đến các cơ sở y tế để được đáp ứng tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”.
|