Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt đang diễn ra ở tỉnh ta đã đến mức báo động, làm “đau đầu” các nhà quản lý. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt thương tâm xảy ra, nguy cơ TNGT đường sắt luôn rình rập.
|
Hiện tượng người dân tự ý mở đường cắt ngang qua đường sắt diễn ra phổ biến ở tỉnh Bình Định. Trong ảnh: Tuyến đường dân sinh qua đường sắt ở Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn).
|
* Vi phạm diễn ra phổ biến
Theo thống kê của Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình, trong tổng số 108 km đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh ta, có đến 90 km có hành lang ATGT bị xâm phạm, với trên 1.000 trường hợp vi phạm. Ngay như đoạn đường sắt chạy từ ga Diêu Trì đến ga Quy Nhơn, chỉ dài chừng 10 km cũng đã có đến trên 200 trường hợp vi phạm. Các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt phổ biến là do việc mở đường dân sinh trái phép qua đường sắt; xây dựng nhà, công trình phụ, phơi đồ đạc trong hành lang ATGT đường sắt; người dân đi lại, vui đùa trên đường ray…
Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng người dân tự ý mở đường dân sinh qua đường sắt. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng 500 đường dân sinh mở trái phép qua đường sắt. Những tuyến đường dân sinh này đều tiềm ẩn nguy cơ về TNGT, do lối dẫn vào đường sắt không được xây dựng đúng quy cách, không có đèn tín hiệu cũng như các thiết bị cảnh báo tàu… Đã thế, nhiều đoạn đường sắt chạy song song với đường bộ có lưu lượng xe cộ đi lại cao, tiếng ồn lớn, nên người tham gia giao thông khó phân biệt được tiếng còi tàu hỏa với tiếng còi xe, dễ dẫn đến TNGT đường sắt.
Ngoài ra, trên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh còn có 50 đường ngang (trung bình 2 km đường sắt có một đường ngang), nhưng chỉ có 13 đường có gác chắn, 9 đường có hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động, số còn lại chỉ có biển cảnh báo. Ông Nguyễn Văn Liễu, Phó giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình, cho biết: “Phần lớn các đường ngang qua đường sắt trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật, như điểm tiếp nối giữa đường bộ với đường sắt đúng tiêu chuẩn, đanh bê tông đúng quy định, các biển báo hiệu được lắp đặt đầy đủ… Tuy nhiên, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là còn nhiều tuyến đường ngang có độ dốc cao, tầm nhìn bị che khuất và đường bộ dẫn vào đường sắt không có vạch giới hạn, gờ giảm tốc độ khiến TNGT đường sắt có nhiều cơ hội xảy ra”.
* Tai nạn luôn rình rập
Thời gian qua, tình hình TNGT đường sắt ở tỉnh ta diễn biến khá phức tạp, với chiều hướng ngày càng gia tăng. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ TNGT đường sắt, làm chết 31 người, bị thương 22 người, thiệt hại về tài sản lên đến hàng tỉ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường sắt là do người điều khiển phương tiện giao thông khi qua các tuyến đường dân sinh, đường ngang (do thiếu quan sát và tầm nhìn bị che khuất) gặp phải lúc đoàn tàu đi tới, đã lúng túng trong cách xử lý để xảy ra tai nạn. Có trường hợp xe mô tô, ô tô đi khi đi qua đường sắt thì xe bị chết máy, chưa xử lý được thì tàu lửa chạy đến… Đơn cử như lúc 14 giờ 30 phút, ngày 14.8.2005, xe ô tô chở khách biển số 53M-8743, khi chạy qua đường dân sinh qua đường sắt tại km 1015+650 (thuộc xã Hoài Tân - Hoài Nhơn), do không quan sát đã bị tàu S7 chạy từ hướng Bắc vào tông phải. Tai nạn xảy ra làm 11 người chết, 14 người bị thương, ô tô hư hỏng nặng và chậm tàu gần 1 giờ đồng hồ. Hay như lúc 13 giờ, ngày 22.1.2006, tại km 1056+55 (thuộc xã Mỹ Hiệp - Phù Mỹ), 3 mẹ con đi trên xe máy, trong lúc qua đường sắt xe bị chết máy, tàu TN 19 chạy đến tông vào. Tai nạn xảy ra làm 3 mẹ con chết ngay tại chỗ, xe máy hư hỏng nặng. Mới đây, lúc 9 giờ 25 phút, ngày 16.7.2007, tại km 1091+450 (thuộc xã Phước Lộc - Tuy Phước), anh Lê Ngọc Định điều khiển xe máy 77F7-5025 qua đường ngang (có cảnh báo tự động) đã bị tàu SE4 tông chết ngay tại chỗ…
Những vụ TNGT đường sắt thương tâm đã xảy ra và hiện tượng tiềm ẩn tai nạn trên những tuyến đường sắt đang là vấn đề bức xúc đối với toàn xã hội. Hiện nay, mỗi ngày trên tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh ta có khoảng 30 lượt tàu qua lại, với vận tốc trung bình 72 km/h. Với mật độ chạy tàu dày, tốc độ cao như vậy, nguy cơ xảy ra TNGT đường sắt luôn đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông đi qua các đường ngang dân sinh.
* Xử lý thiếu đồng bộ
Trong thời gian qua, Công ty Quản lý đường sắt Nghĩa Bình đã đầu tư kinh phí tiến hành nâng cấp, vuốt độ dốc, tạo độ phẳng bằng cho những tấm bê tông ở những tuyến đường ngang để thuận lợi cho người và phương tiện qua lại; đồng thời bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu, gờ giảm tốc độ, vạch cưỡng chế và các điều kiện cảnh báo khác tại các đường ngang qua đường sắt. Công ty cũng đã lắp đặt rào chắn cứng ngăn cách đường bộ với đường sắt (ở những đoạn đường bộ chạy sát đường sắt) và các tuyến đường dân sinh mà xe cơ giới có thể qua lại được. Mặt khác, nhiều hội nghị bảo vệ đường sắt ở các địa phương trong tỉnh có đường sắt đi qua, cũng đã được ngành phối hợp tổ chức với sự tham gia của chính quyền, các hội đoàn thể và đông đảo nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, công ty còn tiến hành phổ biến Luật Đường sắt và ký cam kết bảo vệ hành lang ATGT đường sắt với các hộ dân 2 bên đường sắt; phối hợp với các trường học tổ chức và phát động phong trào “Bảo vệ an toàn đường sắt quê em”, “Đoạn đường em chăm”, và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu ATGT đường sắt… Tuy nhiên, tất cả các hoạt động này vẫn chưa thể lập lại trật tự ATGT đường sắt.
Ông Nguyễn Văn Liễu cho biết: “Tai nạn đường sắt liên miên như vậy, nhưng các cấp, các ngành chỉ lo giải quyết hậu quả, còn việc khắc phục nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì chưa làm cương quyết. Hiện nay, nhận thức về ATGT đường sắt và hiểm họa từ các tuyến đường ngang, đường dân sinh chưa được một số cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Trong khi đó, một mình sự nỗ lực của ngành Đường sắt thì không thể lập lại trật tự ATGT đường sắt. Bởi theo quy định, trách nhiệm giải tỏa tạo sự thông thoáng tầm nhìn của hành lang ATGT đường sắt; xử lý các vi phạm về việc tự ý mở đường dân sinh qua đường sắt… là của UBND các cấp”.
Đã đến lúc, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua phải vào cuộc cùng với ngành Đường sắt, triển khai các biện pháp kiên quyết và triệt để hơn, nhằm thiết lập lại trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh.
|