Năm 1946, trong số ra ngày 18.6, báo “Đây Pa-ri” của Pháp đã có bài viết về Bác Hồ, với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập. Tờ báo này viết: “Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi… Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tuần lễ ông nhịn ăn một bữa, không phải là để hành hạ mình cho khổ sở mà là để nêu một tấm gương dè xẻn gạo cho đồng bào đặng làm giảm bớt nạn đói trong nước. Hết thảy mọi người xung quanh đều bắt chước hành động của ông… Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo 7 thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho mọi người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được…”.
Hai mươi lăm năm sau, năm 1971 - sau khi Bác Hồ đã mất, một nhà báo - nhà văn người Mỹ đã viết một cuốn sách có tựa đề “Hồ” xuất bản ở New York, trong đó có viết: “… Tính giản dị của ông Hồ là một sức mạnh. Địa vị càng cao sang, ông càng giản dị và trong sạch. Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh cửu của người Việt Nam: kính già, yêu trẻ, ghét tiền của. Ông không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử”…
Hai bài báo của hai tác giả, ở hai quốc gia khác nhau, viết ở hai thời điểm cách nhau 1/4 thế kỷ, nhưng cùng về một con người, cùng chung một sự nhìn nhận, đánh giá. Đó là sự cảm phục và ngưỡng mộ đức tính giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả cuộc đời của Người là cống hiến và hi sinh cho đất nước và dân tộc. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào địa vị nào thì phẩm cách của Người vẫn chỉ là một: cao cả mà bình dị, mẫn tiệp mà gần gũi… thể hiện sự minh triết của một bậc vĩ nhân song rất thật giữa cuộc đời. Đó là điều mà mỗi chúng ta hãy cố gắng học tập, bởi đó chính là đạo đức, là văn minh dù ở trong bất cứ thời đại nào.
|