6 giờ tối. Người đàn ông cúi gập người đẩy chiếc xe kem vào cổng căn nhà nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Tháp Đôi (TP Quy Nhơn). Chiếc xe ì ạch bò qua khoảng sân đổ đầy cát. Mặc dù, lúc này xe kem nhẹ tênh nhưng sức người đẩy cũng đã cạn kiệt sau một ngày rong ruổi…
|
Kem rong trên phố.
|
* Rong ruổi cùng... kem
Ngồi nghỉ trước hiên nhà, rít vài hơi thuốc để thư giãn, anh Tuấn- tên người đàn ông bán kem dạo- phân bua: “Cả ngày đi ngoài đường, về đến nhà vẫn chưa hết việc. Tui còn phải nấu xong mẻ kem cho buổi bán ngày mai, rồi mới tính đến chuyện tắm giặt, cơm nước”.
Có khoảng trên 10 người bán kem dạo như anh Tuấn từ các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn đến Quy Nhơn thuê nhà quanh khu vực Tháp Đôi (thuộc phường Đống Đa). Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng khi xe chở đá ơi ới đến gọi cửa. Gần 1 giờ đồng hồ đánh vật với kem, đá lạnh… 6 giờ sáng họ đẩy xe kem ra đường. Rong ruổi với chiếc xe kem cả ngày khắp hang cùng ngõ hẻm, mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra trên đường. Nước uống, đã có chai mang sẵn. Cơm trưa, cơm tối thì qua quít bằng ổ bánh mì hoặc dĩa cơm bình dân đạm bạc…
Anh Chánh, quê ở Mỹ Lộc (Phù Mỹ) hàng ngày đẩy xe kem đi bán dạo, cho biết: “Sắm 1 chiếc xe kem cỡ chừng 2 triệu đồng cộng với chi phí để sản xuất 1 thùng kem bán trong ngày chưa tới 70 ngàn đồng. Chịu khó đi một ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn”. So với làm ruộng ở quê, thu nhập của những người bán kem dạo như anh Chánh là khá cao. Có lẽ vì so sánh như vậy nên anh Chánh “ly” nông, rời quê vào Quy Nhơn mưu sinh bằng nghề bán kem dạo đã gần 16 năm! “Thu nhập khá nhưng tính ra cũng nhọc nhằn dữ lắm”- anh Chánh than thở.
Không bận rộn kiểu “con mọn” như nhóm bán kem tự sản xuất nên nhóm bán kem Kido,s dạo có thời gian rong ruổi trên đường nhiều hơn để có thêm doanh số. Kem Kido,s thuộc hàng “công ty”, có đại lý tại Quy Nhơn “cấp” kem, đồng phục và xe cho người đi bán. Nhóm bán kem dạo này có 6 người. 4 người bán trong nội thành Quy Nhơn và 2 người đi bán tại các huyện như Tuy Phước, An Nhơn… Anh Dũng, nhà ở đường Hải Thượng Lãn Ông, bán kem dạo hơn 10 năm trong nội thành Quy Nhơn cho biết: “Bọn tui nhận kem đi bán và hưởng hoa hồng 17% theo doanh số. Thu nhập một ngày cỡ chừng 50 ngàn đồng”.
Những người đẩy xe kem Kido,s ra các huyện thì thu nhập có “nhỉnh” hơn một chút nhưng vất vả thì gần như … gấp đôi. 8 giờ 30 tối. Len lỏi giữa dòng người và xe, anh Phước vội vã chạy xe về đại lý để trả xe và kem còn thừa. Nhà anh Phước ở ngã 3 Ông Thọ (Quy Nhơn) nhưng để bán được kem, anh phải đạp xe ra đến tận Đập Đá, Gò Găng (An Nhơn). 15 tiếng đồng hồ đạp xe rong ruổi trên đường để có thu nhập từ 60 ngàn - 80 ngàn đồng, thật chẳng dễ dàng chút nào!
|
Ở tuổi 76, bác Quế vẫn còn phải rong ruổi khắp nơi với thùng kem trên tay. |
* Ngày mai trời lại nắng
Trong số những người mưu sinh bằng nghề bán kem dạo, có lẽ cụ Quế (Cát Thắng- Phù Cát) là người đặc biệt nhất. Người ta gọi cụ là “người bán kem dạo số 1” bởi vì cụ chỉ xách thùng đi bộ tuy tuổi đã bước vào hàng “thất thập”. Theo như lời cụ kể thì trước đây, cụ làm “cai” ở Trường Quốc Học từ thời trước giải phóng. Tuổi cao, không còn làm “cai” nữa, cụ về quê sống một thời gian, sau đó lại trở vào Quy Nhơn và “dính” với nghề bán kem dạo kiếm sống.
Số lượng kem cụ bán được không nhiều, vì thùng nhựa chỉ chứa được chừng 50 cây. Phố lớn, hẻm nhỏ đều in hằn những bước chân nặng nhọc của cụ. Ngày nào cũng vậy, khoảng 7 giờ tối, cụ quay về cửa hàng trả kem ế, thanh toán tiền, xin gửi nhờ thùng đựng kem và sau đó đi bộ về chỗ vẫn trú ngụ hàng đêm. Đó là mái hiên của một ngôi nhà ở gần chợ khu Sáu. Ông chủ nhà tốt bụng cho cụ đặt nhờ chiếc ghế bố để ngủ qua đêm. Đôi lần, tôi gặp cụ đi bán dưới bãi biển. Khi nghe tôi thắc mắc: “Bác già rồi, sao không sống cùng con cháu. Bươn chải làm gì cho khổ thân?” thì cụ cười móm mém: “Cũng có con, có cháu ở quê nhưng tụi nó đều có cuộc sống riêng. Mình còn khỏe, còn làm được thì làm”. Cũng như bao người khác làm nghề bán kem, mơ ước của cụ thật bình dị: “Ngày nào trời cũng nắng để có nhiều người ăn kem”.
|