Sinh thời, Bác thường nói với cán bộ “Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một cái chìa khóa để mở thêm kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”. Trong suốt cuộc đời mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Bác cũng luôn khắc phục khó khăn để học tập.
Năm 1911, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Việt Nam yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã một thân một mình lên con tàu vượt đại dương, bôn ba khắp thế giới với một mong ước cháy bỏng: tìm ra con đường giải phóng đất nước. Kể từ đó, Người phải trải qua rất nhiều công việc nặng nhọc như phụ bếp, bồi bàn, quét tuyết… Ấy vậy mà không khi nào Người không tìm cách học tập để nâng cao hiểu biết và tích lũy kiến thức. Cách học của Người cũng hết sức độc đáo. Do phải làm việc liên tục suốt từ sáng đến tối nên chỉ đến khi đêm về, dù đã rất mệt nhọc, Người vẫn cố gắng đọc sách, đọc báo. Còn ban ngày, Người cũng tranh thủ học bằng cách cứ mỗi sáng viết vào tay mấy chữ rồi đi cọ sàn tàu, cọ thùng, đánh nồi, rửa bát, thái thịt, băm rau… vừa làm vừa nhìn vào tay mà học. Hết ngày, chữ mờ đi thì cũng đã thuộc, hôm sau lại ghi chữ mới để học tiếp.
Suốt nhiều năm như vậy, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã học được rất nhiều các kiến thức của cả phương đông và phương tây, biết tinh lọc những tinh hoa của nhiều nền văn hóa, thông thạo đến bảy ngoại ngữ và nói được nhiều tiếng thổ âm khác… Bác từng tâm sự: “Tôi không có hạnh phúc được theo học ở trường đại học. Nhưng cuộc sống đã cho tôi cơ hội học lịch sử, khoa học xã hội và ngay cả khoa học quân sự. Phải yêu cái gì? Phải ghét cái gì”.
UNESCO đã tôn vinh Người là “Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới” bởi “kho tàng văn hóa” đồ sộ mà Người tích lũy được bằng con đường tự học kiên trì, bền bỉ của mình cùng với những sáng tạo văn hóa rất Hồ Chí Minh mà Người đã đóng góp cho kho tàng văn hóa của nhân loại.
|