|
Cổng làng Vinh Thạnh (đường vào nhà Đào Tấn) hôm nay. (Ảnh: X.T) |
Để chuẩn bị cho kỷ niệm 100 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn (1907-2007), vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình- người được tỉnh giao trách nhiệm chỉ đạo tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất và hội thảo về Đào Tấn đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Thế Khoa (Phó Tổng biên tập thường trực tạp chí Văn hiến Việt Nam) về các hoạt động cho ngày kỷ niệm quan trọng này tại Bình Định. Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết:
Bình Định chúng tôirất tự hào là quê hương của Quang Trung và Đào Tấn, một anh hùng dân tộc kiệt xuất và một nhà văn hóa lớn, là nơi thường được gọi là “Đất võ trời văn”. Từ hơn 100 năm nay, Đào Tấn đã nổi tiếng là một con người nhân hậu, chính trực, một vị quan thanh liêm, yêu nước thương nòi, một nhà thơ lỗi lạc, bậc hậu tổ của nghệ thuật tuồng. Kỷ niệm 100 năm ngày mất của Đào Tấn, chúng tôi muốn một lần nữa tôn vinh tên tuổi và sự nghiệp của Người, nhưng quan trọng hơn, đây là dịp để chúng ta tìm hiểu sâu hơn, tường tận hơn về các di sản nghệ thuật cụ Đào để lại cho hậu thế, tìm cách bảo tồn và phát huy tốt hơn, có hiệu quả hơn trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước.
- Chị có thể cho biết những kết quả trong việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật của Đào Tấn trong thời gian qua ở Bình Định?
+ Về nghiên cứu con người và sự nghiệp nghệ thuật Đào Tấn với những gì được biết, tôi có thể nói chúng ta đã có được những thành tựu không nhỏ. Tại quê hương, Bình Định, từ sau ngày giải phóng, đã có ba cuộc hội thảo về Đào Tấn với sự tham dự của các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học hàng đầu cả nước. Hầu hết các di sản nghệ thuật quan trọng của Đào Tấn đã được sưu tầm, nghiên cứu, biên dịch, xuất bản như các tuyển tập thơ và từ, tuyển tập tuồng, tập bút ký “Mộng Mai văn sao” của cụ Đào và một tuyển tập các bài nghiên cứu về Đào Tấn với tên gọi “Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng kiệt xuất”. Gần đây, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn của Bình Định đã phối hợp với nhà xuất bản Sân khấu cho ra đời bộ sách lớn gần 3000 trang giới thiệu các di sản của Đào Tấn. Chúng tôi rất vui mừng khi không những các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Bình Định mà nhiều văn nghệ sĩ, học giả nổi tiếng cả nước từ cố đô Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, TPHCM, thủ đô Hà Nội và nhiều nơi khác đã tham gia hết sức, nhiệt thành và có những đóng góp rất quý giá trong công việc khó khăn này. Cuốn sách “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng và vở tuồng “Thanh gươm hát bội”của nhà nghiên cứu Mịch Quang là hai tác phẩm rất có ý nghĩa trong việc góp phần khẳng định nhân cách ngời sáng của ông quan Đào Tấn. Nhà hát tuồng Đào Tấn của Bình Định đã bước đầu phục hồi thành công ba vở tuồng được coi là tuyệt tác của Đào Tấn là “Hộ sanh đàn, “Cổ thành”, “Diễn Võ Đình”. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh của Đà Nẵng, Nhà hát tuồng Khánh Hòa, Nhà hát hát bội TPHCM và Nhà hát tuồng Trung ương cũng đã phục hồi được các vở trên và các vở “Sơn hậu”, “Trầm hương các”, “Khuê các anh hùng”…Đặc biệt,các đội tuồng không chuyên truyền thống với đội ngũ nghệ sĩ tài năng, lành nghề trong tỉnh hàng đêm vẫn diễn các tích tuồng của cụ Đào phục vụ nhân dân trong tỉnh và nhiều nơi trong nước.
- Trong công việc này, còn những hạn chế, bất cập nào cần sớm khắc phục?
- Theo tôi, có lẽ hạn chế lớn nhất là việc quảng bá cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn. Việc sưu tầm nghiên cứu có nhiều thành tựu nhưng việc quảng bá hiện chỉ bằng các tập sách được in rất ít bản và chỉ được phổ biến trong một phạm vi rất hẹp. Đào Tấn là một danh nhân văn hóa lớn của đất nước, đã có tên đường tại Hà Nội, TPHCM, Vinh, được đặt tên cho các giải thưởng VHNT tại Bình Định, Hà Nội…nhưng so với Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ thì cuộc đời và sự nghiệp của cụ còn được ít người biết đến.
Trong sưu tầm nghiên cứu, hiện chúng ta còn một món nợ lớn với cụ Đào, đó là việc phân định rạch ròi thật giả trong tập sách mang tên “Hí trường tùy bút” mang tên cụ được Ty VHTT Nghĩa Bình xuất bản năm 1981. Theo GS Nguyễn Huệ Chi, người đã công phu nghiên cứu đối chiếu nguồn gốc văn bản của tập sách trên thì rõ ràng tập sách có sự pha trộn, cóp nhặt, thêm bớt khá phức tạp, tùy tiện trong 100 năm lưu truyền, ghi chép lại của nhiều người nhưng chắc chắn trong đó có những hạt vàng của tư tưởng nghệ thuật Đào Tấn. Tuy vậy, đã hơn 20 năm qua, vẫn chưa có ai, chưa có tổ chức nào cất công “đãi cát tìm vàng” như đề nghị của GS Nguyễn Huệ Chi.
Về việc phục hồi, chỉnh biên các vở tuồng của Đào Tấn để phục vụ cho người xem hôm nay, cuộc sống hôm nay cũng đang đứng trước một câu hỏi nan giải: làm thế nào việc chỉnh biên phục hồi ấy vẫn giữ được những tinh hoa thực sự của tuồng Đào Tấn?
- Như vậy, chúng ta cần phải làm gì trong những ngày sắp đến?
- Có lẽ cần có thêm những tập sách phổ thông, có khả năng đi sâu rộng vào quần chúng hơn giới thiệu về thân thế sự nghiệp Đào Tấn. Có thể xây dựng một website riêng, hoặc một chuyên mục về Đào Tấn trên Báo điện tử Bình Định, tờ báo điện tử hiện có nhiều độc giả trong và ngoài nước truy cập. Ngành văn hóa Bình Định nên có kế hoạch mời các chuyên gia có năng lực và tâm huyết cùng “đãi cát tìm vàng”, khôi phục diện mạo thực của “Hí trường tùy bút”.Nhà hát tuồng Đào Tấn cần phấn đấu để xứng đáng là nhà hát mang tên bậc Hậu Tổ tuồng, xây dựng một phong cách trình diễn tuồng Đào Tấn mẫu mực.
Chúng tôi cũng mong muốn được bộ Văn hóa Thể thao Du lịch giúp Bình Định xây dựng một khu lưu niệm có tính chất quốc gia về Đào Tấn, có ý nghĩa cả về văn hóa và du lịch trên quê hương Đào Tấn. Hiện tại, khu mộ Đào Tấn trên núi Huỳnh Mai và nhà thờ Đào Tấn tại làng Vinh Thạnh đã bước đầu được tôn tạo nhưng việc xây dựng một khu lưu niệm liên hoàn gồm cả trường đào tạo “Học bộ đình”, rạp hát “Như thị quan”, khu vườn tượng các nhân vật bất hủ của cụ Đào…để làm sống lại sự nghiệp của nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc nhất của đất nước, vẫn là một mơ ước của chúng tôi.
Đào Tấn không chỉ là niềm tự hào của Bình Định mà là của cả đất nước, của cả dân tộc, nên chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ thích đáng của cả nước và xã hội cho việc bảo tồn và phát huy các di sản vô giá của Người. Vừa qua, chúng tôi rất xúc động khi nhận được khoản tài trợ 200 triệu đồng của Ngân hàng đầu tư phát triển Việt Nam cho dự án mở lớp đào tạo nghệ sĩ trẻ của nhà hát tuồng Đào Tấn. Di sản nghệ thuật của cụ Đào sẽ được chính lớp nghệ sĩ trẻ này góp phần bảo tồn và phát huy tốt nhất trong tương lai…
|