XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG:
Chuyển hướng sang các thị trường mới
10:49', 23/8/ 2007 (GMT+7)

Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Bình Định gặp khó khăn vì những thị trường truyền thống như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… không còn thu hút người lao động (NLĐ). Sở LĐ-TB-XH Bình Định và các Trung tâm giới thiệu việc làm đã chọn giải pháp tìm kiếm những thị trường mới.

 

Thủy và Chí (thứ 4 và 5 từ phải sang) - 2 lao động nữ Bình Định đầu tiên có mặt tại thị trường Singapore. Ảnh: P.X

 

* SingaporeBrunei “hút” lao động

Dù đang trong quá trình thử nghiệm nhưng Singapore là thị trường XKLĐ đầy tiềm năng đang thu hút nhiều lao động ở Bình Định đăng ký vì phí dịch vụ vừa phải, thu nhập lại khá cao. Tuy nhiên, một trở ngại lớn gây khó khăn cho công việc tuyển chọn lao động sang thị trường này là người lao động không đáp ứng được yêu cầu phải thông thạo tiếng Anh.

Cuối tháng 7 vừa qua, thông qua Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải Tracodi, Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Thanh niên đã đưa 6 nữ lao động đăng ký đi Singapore vào TP Hồ Chí Minh để doanh nghiệp Singapore trực tiếp tuyển chọn, nhưng cũng chỉ có 2 lao động đáp ứng được yêu cầu là Đào Thị Thu Thủy (sinh 1983, ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) và Võ Thị Chí (sinh 1987, ở xã Ân Hảo, Hoài Ân).

Theo ông Trần Hữu Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Thanh niên, sau khi 2 lao động này sang làm việc tại thị trường Singapore nếu đạt kết quả tốt thì thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục tuyển chọn, đào tạo để đưa một số lượng lớn lao động tham gia thị trường này.

Thị trường lao động Singapore chỉ tuyển đối tượng nữ cao từ 1,55 m trở lên, nặng 45 kg, tuổi từ 18-25, văn hóa từ lớp 12 trở lên; làm lắp láp điện tử trong các nhà máy. Khi NLĐ trúng tuyển phải đóng khoản phí tương đương 2.500 USD, bao gồm phí môi giới cho đối tác, tiền vé máy bay lượt đi, học phí... Ngoài ra, NLĐ phải ký quỹ 700 USD, sau khi hoàn thành hợp đồng NLĐ được nhận lại đủ số tiền này cộng với lãi suất theo ngân hàng trong thời gian thực hiện hợp đồng.

Về các quyền lợi, NLĐ được hưởng lương cơ bản và phụ cấp làm ca khoảng 500 USD/tháng, nhà ở miễn phí, được cung cấp hai bữa ăn miễn phí tại căng tin vào những ngày làm việc, được chủ sử dụng lao động đài thọ toàn bộ bảo hiểm dành cho lao động nước ngoài, mỗi năm được nghỉ phép 10 ngày. NLĐ được làm việc trong môi trường sạch sẽ, theo ca. Những ngày không làm việc NLĐ có thể ăn tại doanh nghiệp với suất ăn ưu đãi. Thời hạn hợp đồng 3 năm, có thể được gia hạn.

Ông Nguyễn Mỹ Quang, Trưởng phòng Chính sách lao động việc làm, Sở LĐ-TB-XH Bình Định, cho biết: “Singapore là thị trường mới, đang trong quá trình thử nghiệm nên Cục Quản lý lao động ngoài nước mới chỉ cấp phép cho 3 công ty đưa lao động qua thị trường này là Công ty XKLĐ thương mại và du lịch Sovilaco, Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải Tracodi và Công ty XNK cung ứng vật tư thiết bị đường sắt Virasimex. Gần đây có một số doanh nghiệp không có chức năng XKLĐ vẫn rao tuyển lao động đưa sang Singapore với tiêu chuẩn rất dễ dàng, mức phí dao động từ 5.000-7.000 USD, sau đó đưa những lao động này sang bằng con đường du lịch. NLĐ theo đường này phải cư trú bất hợp pháp, không được bố trí công ăn việc làm. Vì vậy, NLĐ phải hết sức cảnh giác để tránh bị lừa đảo”.

Brunei cũng được xem là thị trường mới. Hiện Bình Định cũng mới đưa được 2 lao động sang thí điểm thị trường này đầu tháng 8.2007. Đó là Lê Văn Tú (thị trấn Ngô Mây, Phù Cát) và Lê Thanh Phong (Ân Đức, Hoài Ân). Điều kiện để đi Brunei, NLĐ phải có tay nghề, tiêu chuẩn nam cao 1,6 m, nữ cao 1,55 m trở lên. Chi phí đi từ 1.500 - 2.200 USD, mức thu nhập trung bình 300-400 USD/tháng. Thời hạn hợp đồng 2 năm, gia hạn thêm 2 năm. Do mức phí đi thấp, trong khi mức thu nhập tương đối cao nên thị trường Brunei đang “hút” lao động phổ thông có nhu cầu đi làm việc ở đây.

Ngoài ra, NLĐ thích chọn đi XKLĐ ở SingaporeBrunei là do thời gian làm thủ tục khá nhanh. Từ khi làm thủ tục cho đến khi đi chỉ trong vòng 2-3 tháng, trong khi những thị trường khác thì NLĐ phải chờ đợi kéo dài cả năm.

* Rào cản đối với NLĐ

Hiện nay vấn đề trở ngại lớn nhất đối với lao động đi xuất khẩu của Bình Định là ngoại hình, tay nghề và ngoại ngữ. Khác với thị trường XKLĐ sang Malaysia (yêu cầu tuyển dụng không cao), đối với những thị trường mới như: Mỹ, Úc, Singapore, Brunei, Canada, Oman… thì đòi hỏi NLĐ phải có tay nghề, ngoại hình và thông thạo ngoại ngữ. Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, cho biết: “So với các tỉnh khác thì các lao động của Bình Định kém ưu thế về tay nghề và ngoại ngữ. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng kiến thức cho NLĐ phải được quan tâm hơn nữa mới mong đạt kết quả tốt”.

Mới đây, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Chương trình bồi dưỡng do Cục Quản lý lao động ngoài nước chịu trách nhiệm xây dựng, với 74 tiết, thống nhất áp dụng chung cả nước. Chương trình nhằm trang bị hiểu biết về pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật, phong tục, tập quán, nếp sống sinh hoạt và làm việc của nước tiếp nhận lao động giúp người lao động Việt Nam nâng cao hiểu biết nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tác phong công nghiệp…

  • Nguyễn Phúc
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khởi công xây dựng công trình Nhà đào tạo trung tâm  (23/08/2007)
Trao học bổng cho 261 học sinh ở Phù Mỹ  (23/08/2007)
Hỗ trợ các cháu mồ côi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh  (23/08/2007)
Thí sinh Nguyễn Ngọc Hà đoạt giải Nhất  (23/08/2007)
Chuẩn bị thành lập Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Bình Định   (22/08/2007)
Xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất dọc tuyến đường ĐT 639   (22/08/2007)
Quan trọng nhất là bảo tồn và phát huy tốt các di sản của Đào Tấn  (21/08/2007)
Quy Nhơn vận động học sinh bỏ học trở lại trường  (21/08/2007)
Trường mới ở Phước Sơn  (21/08/2007)
“Việc học là việc suốt đời”  (21/08/2007)
2.345 người nghèo được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí  (21/08/2007)
Hỗ trợ gần 140 triệu đồng cho trường PTCS xã Phước Mỹ  (21/08/2007)
Hỗ trợ lương thực cho 4.200 nhân khẩu  (21/08/2007)
Hỗ trợ 610 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học tiếp tục đến trường  (21/08/2007)
Tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (21/08/2007)