Năm 1946, sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, một chính phủ dân cử đã được thành lập ở nước ta, do Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu. Thay mặt Chính phủ, Người đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào: đó là một “Chính phủ làm công bộc của dân”, “một chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”, “một chính phủ liêm khiết”, “một chính phủ biết làm việc, có gan góc, quyết tâm đi vào mục đích trong thì kiến thiết, ngoài thì tranh thủ độc lập và thống nhất nước nhà”...
Để có được một chính phủ như vậy đòi hỏi phải có những thành viên ưu tú, có đủ phẩm chất và năng lực làm “công bộc” của dân. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ các cấp “các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Đồng thời, Người luôn quan tâm giáo dục cán bộ, nhất là các cán bộ có chức, có quyền để ngăn ngừa các “căn bệnh” có thể nảy sinh và dễ nảy sinh như: cửa quyền, cậy thế, tham ô, lãng phí, hủ hóa, suy đồi... Người đòi hỏi cán bộ phải “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và ghi sâu bốn chữ “công bình, chính trực” vào lòng. Người cũng tỏ thái độ nghiêm khắc với tệ nạn đã nêu, với những người cố tình sai phạm, không biết sửa lỗi. Người nhấn mạnh “Ai đã phạm những lỗi lầm trên, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì chính phủ sẽ không khoan dung”.
Đề cao giáo dục đạo đức đi đôi với tăng cường sức mạnh pháp luật để xây dựng chính quyền vững mạnh là tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo Người, nếu chỉ đơn thuần giáo dục đạo đức thì không thể giải quyết được tệ nạn tham nhũng - một căn bệnh luôn xuất hiện cùng với nhà nước và tầng lớp cầm quyền. Người chỉ rõ: Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì; kẻ tham lam là có tội với nước, với dân, phải nghiêm trị. Và luôn nhắc nhở cán bộ phải luôn là “người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân, chứ không phải là các “ông quan cách mạng”.
Nhân kỷ niệm lần thứ 62 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, chúng ta càng thấm thía những lời dạy và nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”. Đó mãi mãi là kim chỉ nam để chúng ta học tập và làm theo.
|