Vài năm gần đây, tỉ lệ người dân mắc bệnh tiểu đường (BTĐ) tăng nhanh gấp 6 lần so vớùi các bệnh lý tim mạch. Đáng báo động hơn, hầu hết bệnh nhân phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng nặng.
|
Một trường hợp mắc BTĐ bị biến chứng lở loét bàn chân tại khoa Nội - Tổng hợp, BVĐK tỉnh.
|
* 80% bệnh nhân có biến chứng...
BTĐ là một trong những bệnh không lây nhiễm nhưng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần người bệnh không quan tâm đến những triệu chứng của bệnh nên khi phát hiện ra bệnh đã có biến chứng nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị.
Tại khoa Nội-Tổng hợp, BVĐK tỉnh, chúng tôi gặp ông Lê Văn Đay, 62 tuổi (TP Quy Nhơn) đang điều trị BTĐ với biến chứng lở loét bàn chân. Ông cho biết: “Trước kia, tôi thường uống rượu, bia. Gần đây, thấy sút cân, tôi cứ nghĩ do ăn uống không điều độ, đến khi vào bệnh viện (BV) mới biết mình mắc BTĐ”.
Bà Văn Thị Phiên (47 tuổi, ở Tây Sơn) cũng nhập viện điều trị khi bệnh đã có biến chứng u não. Trước khi nhập viện, bà Phiên có biểu hiện chán ăn, ăn uống không điều độ, không thích vận động, nhức mỏi tay chân… Một thời gian sau, thấy bà sút cân trầm trọng, gia đình mới đưa xuống BV điều trị. Còn bà Nguyễn Thị Sương (65 tuổi, ở TP Quy Nhơn) cũng là một nạn nhân của BTĐ, nhập viện với biến chứng tai biến mạch máu não.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Hoành Cường, Trưởng khoa Nội-Tổng hợp, cho biết: “Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2006, BV tiếp nhận 1.967 trường hợp mắc BTĐ, đến 6 tháng đầu năm 2007 con số này đã vọt lên tới 3.349 trường hợp. Điều đáng nói, trong số này có khoảng 80% bệnh nhân có biến chứng nguy hiểm như: tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim, xuất huyết não, suy thận…”.
Cũng vì phát hiện bệnh quá muộn nên sau khi được điều trị, các bệnh nhân này vẫn phải mang lấy những di chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như: tai biến mạch máu não, rối loạn tuần hoàn ngoại vi, hoại tử bàn chân, cắt cụt chân, suy thận, liệt dương, mù lòa…
* Phần nổi của “tảng băng chìm”
Theo số liệu do BV Nội tiết Trung ương công bố năm 2002, tỉ lệ bệnh nhân mắc BTĐ trên toàn quốc là 2,7%, riêng ở các thành phố lớn là 4,4%.
Năm 2005, đề tài nghiên cứu về BTĐ của BS Hoàng Xuân Thuận và các cộng sự tại 15 xã, phường trên địa bàn TP Quy Nhơn cho thấy, có 8,6% người dân mắc bệnh. Mới đây, BV Nội tiết Trung ương phối hợp với Trung tâm Phòng chống sốt rét và các rối loạn thiếu Iốt tỉnh tiến hành đợt điều tra đánh giá các yếu tố nguy cơ cao và người BTĐ sớm cho 12 ngàn người từ 30 đến 69 tuổi tại 2 phường Trần Hưng Đạo và Ngô Mây (TP Quy Nhơn), qua sàng lọc, Trung tâm phát hiện hơn 2.000 người có yếu tố nguy cơ cao mắc BTĐ.
Tất nhiên, những con số nói trên mới là phần nổi của “tảng băng chìm”, chỉ phản ảnh được số người mắc bệnh qua điều tra ở một nhóm người. BS Cường cho biết: “Đa số người bệnh khi đến BV không biết mình mắc BTĐ, chỉ đến khi khám những bệnh khác như tăng huyết áp, tim mạch… mới phát hiện ra bệnh”.
* Cần có chương trình tầm soát
Hiện nay, BTĐ là một trong 4 bệnh không lây nhiễm mà Tổ chức Y tế Thế giới và Việt Nam quan tâm nhất (gồm: tim mạch, TĐ, ung thư và tâm thần). Tuy nhiên, sở dĩ BTĐ cũng như một số bệnh không lây nhiễm khác tăng nhanh trong thời gian qua là do công tác kiểm soát, điều trị cũng như dự phòng bệnh còn nhiều bất cập.
Theo BS Trần Như Luận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tỉnh: Hiện nay chúng ta vẫn chưa có một chương trình mục tiêu quốc gia, chưa có sự phân công cụ thể cho đơn vị nào chịu trách nhiệm chính ở cấp tỉnh về lĩnh vực dự phòng bệnh này.
Để khắc phục hạn chế này, mới đây, Sở Y tế đã giao Trung tâm Phòng chống sốt rét và các rối loạn thiếu Iốt phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe đưa vào sử dụng hệ thống quản lý người BTĐ. Tất cả bệnh nhân đều được quản lý trong suốt quá trình điều trị và cập nhật các thông tin có liên quan đến BTĐ. Như vậy, cùng với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bình Định là một trong 3 địa phương trong cả nước có hệ thống quản lý BTĐ.
Mặt khác, theo BS Luận, trong tháng 9 này, câu lạc bộ những người mắc BTĐ cũng sẽ được ra đời tại TP Quy Nhơn sẽ tạo mối quan hệ thường xuyên giữa bệnh nhân và thầy thuốc, giữa bệnh nhân với bệnh nhân để trao đổi kinh nghiệm, giúp bệnh nhân bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và người nhà.
Vài điều cần biết về BTĐ:
- Triệu chứng: TĐ tuýp 1 do tụy tạng không tiết insulin, phần lớn xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi, chiếm khoảng 15% tổng số bệnh nhân TĐ với triệu chứng: tiểu nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, sụt cân. TĐ tuýp 2 do tiết giảm insulin và đề kháng insulin, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, nhưng gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30, thậm chí cả lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh nhân rơi vào thể tuýp 2 diễn tiến âm ỉ và thường chỉ được phát hiện bởi các triệu chứng của biến chứng, hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc khi có biến chứng.
- Nguyên nhân: Đa phần là do thói quen ăn thức ăn nhanh, khoai tây rán; uống nhiều bia rượu; lối sống tĩnh tại ít vận động, một số người do thiếu insulin một cách tuyệt đối hoặc do khiếm khuyết về gen và có liên quan đến tổn thương tụy.
- Phòng bệnh: cần có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế chất ngọt, chất béo động vật, ưu tiên rau quả, chất béo thực vật; tránh chất kích thích, thuốc lá; vận động ít nhất nửa giờ/ngày; khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. | |