|
Một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn... Ảnh: Thu Hà |
Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên).
* Bóng mát chở che
Chuyện thứ nhất
Ở thôn Liên Trì, xã Cát Nhơn (Phù Cát), người dân trong thôn đều ghi nhận: chính gánh ve chai của bà Trương Thị Chính đã đưa các con vào đại học.
Chị Loan, con bà Chính, kể chuyện về mẹ mình. Ngày đứa em kề tôi đậu Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cả gia đình đều mừng nhưng lại lo không đủ tiền cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Ấy thế mà mẹ tôi lại chẳng nói năng gì cả, chỉ một mình âm thầm toan tính. Hai ngày trước khi đứa em nhập học, mẹ tôi mới nói: “Mẹ sẽ đi cùng nó vào Sài Gòn. Con đi học, mẹ đi “lặt vặt”, chắt bóp dành dụm cũng đủ nuôi sống cả hai mẹ con”. Mẹ tôi trải qua nhiều nghề nhưng trụ lại với nghề mua bán ve chai. Cứ thế, đứa thứ nhất, rồi đến đứa thứ hai, thứ ba… mẹ tôi “cõng” các em vào trường đại học, cao đẳng bằng chính đôi gánh ve chai hằng ngày. Nay thì, đứa em kề đã ra trường, làm việc tại một ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh. Nó nhận trách nhiệm nuôi đứa em út đang học cao đẳng. Tụi nó không cho mẹ tôi đi làm nữa mà bắt về quê dưỡng già. Hằng tháng nó gởi tiền về chu cấp. Vậy mà, lâu lâu mẹ tôi vẫn cứ quảy gánh vào trong Quy Nhơn mua bán lặt vặt. Con cái biết, trách móc thì mẹ tôi lại bảo: “Đi một ngày cũng được vài chục ngàn bạc, chứ ngồi không mà làm gì. Mẹ còn khỏe làm dư đồng nào thì cho con, cho cháu. Mẹ còn lo cưới vợ cho thằng út nữa chớ!”.
Chuyện thứ hai
Thi thoảng, tôi vẫn gặp bà, ở đâu đó trong những quán cà phê của khu Sân Bay TP Quy Nhơn. Tuổi bà, tôi không biết, nhưng lưng thì đã còng lắm rồi. Bà đi, cứ chúi về phía trước, gương mặt nhăn nheo chỉ ngẩng lên mỗi khi bà chìa tay xin lòng từ tâm của người đời. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi xin xong bà đều cẩn thận cám ơn vài bận, rồi ra ngoài cẩn thận ngồi ở một góc đường nào đó vuốt nhẹ những đồng bạc mới xin. Có lần tôi tò mò theo hỏi chuyện. Bà bảo quê bà ở xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn) bà phải đi xin về nuôi đứa con trai bị bệnh tâm thần đã gần 50 tuổi. Người con trai bị bệnh từ ngày nhỏ, tâm thần bất định, lúc tỉnh lúc mê. Các đứa con khác đều ở riêng. Anh em mỗi người một phận, bà nhận lãnh trách nhiệm nuôi người con tật nguyền. Lắm hôm bà về đến nhà thì bao nhiêu đồ đạc đều đã bị con ném hết ra ngoài sân, bị đập phá…
“Bà định đi như thế này đến khi nào?”- “Đến khi không còn sức thì thôi. Mấy đứa con khác nó còn gia đình, con cái của nó, tôi không muốn phiền. Vả lại, anh em chăm nhau sao bằng mẹ chăm con. Ở đời người ta vẫn nói nước mắt chảy xuôi mà cô”...
Những câu chuyện như thế vẫn hiện hữu quanh ta trong cuộc sống. Rất đời thường, dung dị. Nó dung dị như chính tình mẹ thương con. Mang nặng đẻ đau, nuôi con nên vóc nên hình, cho con ăn học thành người, nhưng với mẹ, những đứa con ấy luôn nhỏ bé, vẫn rất cần sự chở che, nâng giấc của mẹ suốt đời.
Và chúng ta, cho dù đã lớn, vẫn luôn cần đến mẹ. Mỗi khi gặp đau khổ, thất bại trên trường đời, vẫn thầm kêu hai tiếng “mẹ ơi”. Bởi một lẽ thật giản đơn: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”.
* Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con
Cách đây đã lâu, tôi có lần đến Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần của tỉnh. Trong những dãy dài hành lang bệnh viện nơi có người đang điều trị bệnh và người thân của họ, đập vào mắt tôi là một người thanh niên mới ngoài 20 tuổi đang dỗ dành: “Mẹ đừng ngồi ngoài này nữa. Mẹ vào giường nằm rồi con gọt cam cho mẹ ăn. Có thế mẹ mới chóng về nhà với con chứ”.
Anh con trai dỗ dành mẹ như thể đang dỗ dành một đứa trẻ lên ba. Một số người thân đang nuôi bệnh nhân chép miệng: “Con trai mới lớn, chưa vợ con gì mà chăm mẹ khéo ra phết”. Anh tên Huỳnh Văn Nhàn, quê ở Mỹ Châu (Phù Mỹ) nuôi mẹ già mới phát bệnh. Giàu út ăn, khó út chịu, các anh chị đã có gia đình riêng, nên anh Nhàn tình nguyện vào Quy Nhơn chăm sóc mẹ. Lo cho mẹ từng miếng ăn giấc ngủ đến tắm rửa, giặt giũ, anh chẳng từ nan. Đôi khi mẹ lên cơn la mắng, thậm chí cào cấu anh khắp người. Mỗi lần thế, anh nghiến răng “chịu trận”… “Mẹ tôi hết bệnh thì cực mấy tôi cũng chịu được”- anh Nhàn ao ước.
Đối với ông Nguyễn C., 82 tuổi, nhà ở đường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), thì ký ức của người mẹ còn mãi qua hình ảnh mẹ ngồi dưới ánh đèn dầu tù mù, mắt chong theo từng đường kim mũi chỉ may cho ông chiếc áo sơ mi tân thời. Nhà nghèo, khi con muốn có chiếc áo để “bằng anh bằng em”, mẹ đã tự mua vải về, nhìn theo mẫu áo mượn nhà hàng xóm tranh thủ may cho con. Bà chỉ may vào ban đêm dưới ánh đèn dầu leo lét vì ban ngày còn phải làm ruộng vườn, chăm sóc con nhỏ. Ký ức về mẹ của ông còn qua những lần mẹ dắt tay ông đi học, chắt chiu mua cho con từng tập vở, cây viết con học đến bằng Prime (thời Pháp).
Trong Kinh Mạ ý có dạy: Với những người có cha mẹ còn sống, mùa Vu Lan nên dành thời gian ở bên cha mẹ, tặng một chút quà báo hiếu đấng sinh thành. Hãy nắm chặt bàn tay mẹ để lắng nghe, cảm nhận dòng máu mẹ cho đang chảy mạnh trong thân thể mình. Hãy dừng lại cuộc sống bận rộn, để hướng về mẹ, tưởng niệm đấng sinh thành với tình cảm thương yêu của những người con không còn mẹ. |
Năm mẹ ông 92 tuổi, bà bị xuất huyết não, liệt toàn thân. Hai chân bà co quắp, không duỗi được. Một cánh tay không duỗi được. Hai mắt lại mù lòa. Thời gian ấy, ông chạy lên chạy xuống như con thoi từ Quy Nhơn lên Tây Sơn và ngược lại. Không biết cách chăm người ốm lâu ngày, ông chạy đi hỏi kinh nghiệm. Một đêm phải trở lưng cho mẹ ba, bốn bận để khỏi bị loét lưng. Con trai 80 tuổi chăm mẹ già ở tuổi 97, chẳng nề hà việc tắm rửa vệ sinh cho đến khi mẹ nhắm mắt xuôi tay.
“Mẹ đã cho tôi cả cuộc đời. Còn tôi, chỉ chăm mẹ được mấy năm thôi. Có sá gì đâu khi so với công ơn sinh thành, dưỡng dục của người”- ông ngậm ngùi. Nghe ông nói, tôi chợt nhớ đến lời dạy của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh: “Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có, không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi”!
Một mùa lễ Vu Lan nữa đã đến. Xin kính dâng chút lòng thành hiếu thảo tỏ lòng thành kính với mẹ cha.
|