Có một nghề cung cấp những mặt hàng không quá hiếm nhưng khi cần thì không thể mua ở đâu cũng được. Đó là đồ thờ cúng, nghi lễ như: trướng, liễn đối, phướn, hoành, lọng… Khuất lấp giữa muôn vàn nghề nghiệp khác nhưng nghề này vẫn có chỗ đứng của mình.
|
Cờ, lọng, trướng… là những mặt hàng chủ yếu của các tiệm chuyên may đồ thờ cúng, nghi lễ.
|
* Nghề của tâm linh
Tiệm thêu - in Khương Lợi nằm ngay góc ngã ba đường Lý Thường Kiệt - Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) treo đầy các bức trướng, liễn đối, nghi, cờ tặng… Một người khách trẻ tuổi bước vào đặt hàng với một chút bối rối. Anh muốn đặt làm một bức trướng để mừng ông nội mình thọ 80 tuổi, nhưng lại không thích những câu chúc thọ quen thuộc kiểu như “Phước như Đông Hải/ Thọ tỉ Nam Sơn”, hay chữ “Thọ”…
Dường như quá quen với những yêu cầu như vậy của khách hàng, ông chủ tiệm Khương Lợi liền… đọc thơ - những câu thơ mang ý nghĩa chúc thọ mà ông sưu tầm được đâu đó trên báo chí, sách vở. Cuối cùng, người khách tỏ vẻ hài lòng khi chọn được nội dung để thêu lên tấm trướng mừng thọ ông mình, là một đoạn thơ khá phù hợp với cuộc đời ông: “Hai vai nặng việc nước nhà/ 80 khi tuổi đã già vẫn vui/ Sống quen nhơn nghĩa với đời/ Bách niên trường thọ ơn đời ban cho”.
Trướng mừng thọ chỉ là một trong rất nhiều mặt hàng mà các tiệm chuyên các mặt hàng nghi lễ, thờ cúng sản xuất. Ngoài ra, các tiệm này còn may và bán trướng tang, các bức nghi, hậu, hoành, liễn đối - đồ thờ cúng, rồi lọng, phướn, áo dài, khăn đóng - dùng trong các dịp lễ nghi, các mặt hàng thêu, in như cờ tặng, trướng tặng, phù hiệu… Không chỉ có hàng bán sẵn, các tiệm này còn nhận may, thêu theo kích thước, nội dung mà khách yêu cầu. Một chủ tiệm chuyên sản xuất mặt hàng này ở An Nhơn cho biết, nếu ở Quy Nhơn, sản phẩm tiêu thụ mạnh nhất là các loại trướng phúng điếu, trướng mừng thọ, cờ tặng, phù hiệu, thì ở các vùng quê lại là các loại đồ thờ cúng như: liễn đối, hoành, nghi, hậu, phướn…
Tại Quy Nhơn, Khương Lợi được xem là tiệm lớn nhất chuyên làm các mặt hàng này, với gần 50 năm trong nghề. Theo lời kể của ông Văn Phương - chủ tiệm Khương Lợi thì ông khởi nghiệp với nghề này là từ nghề thêu - học năm 1960 với một ông thầy ở Đập Đá (An Nhơn), sau đó xuống Quy Nhơn mở tiệm. Những năm trước giải phóng, nghề thêu phát đạt nhờ có nhiều đơn đặt hàng thêu cờ, phù hiệu cho các đơn vị quân đội của chế độ cũ. Sau đó, do nhu cầu thị trường, ông bắt đầu hướng đến nghề may các đồ thờ cúng, lễ nghi như trướng, màn, hoành, liễn đối… Ông Phương đã dạy lại nghề cho em trai mình và người em của ông cũng mở tiệm từ năm 1980, lấy tên tiệm Văn Nghệ (đường Trần Hưng Đạo). Đó là hai tiệm chuyên may các mặt hàng phục vụ thờ cúng, nghi lễ ở Quy Nhơn.
* Nhất nghệ tinh...
Theo ông Văn Phương - chủ tiệm Khương Lợi - thì muốn làm nghề này trước tiên phải có khiếu mỹ thuật vì đây là nghề kết hợp giữa nghệ thuật may, thêu và hội họa. Tuy nhiên, muốn giỏi nghề thì không đơn giản chỉ là kỹ thuật tốt mà còn phải am hiểu một chút về chữ nghĩa để có thể tư vấn cho khách hàng. Chính điều này sẽ tạo nên đẳng cấp của tiệm này so với tiệm khác.
Như khi khách đặt may một bức trướng để viếng đám tang ông sui lớn tuổi thì nội dung có thể là “Vãng sanh cực lạc”, nhưng nếu là trướng viếng đám tang con của ông sui thì chủ tiệm phải tư vấn cho khách hàng rằng, người chết đáng vai con cháu mình, nên nội dung phúng điếu có thể là hai câu: “Trên trần thế vô cùng thương tiếc/ Dưới suối vàng an giấc ngàn thu” mới phù hợp. Hoặc khi khách đặt làm trướng mừng thọ thì người làm phải để ý là mừng thọ, thượng thọ hay đại thọ mà thêu hình ông thọ lên trướng cho phù hợp với độ tuổi người được tặng…
Chính vì thế, đồ nghề của các tiệm chuyên làm đồ thờ cúng, nghi lễ, ngoài các loại máy may, máy thêu… còn là những quyển sách tham khảo đủ loại có liên quan đến chữ Hán. Như ông Văn Phương, “bửu bối” của ông là 3 cuốn: Từ điển Hán - Việt, Minh tâm bửu giám và Ngũ thiên trị (sách học chữ Hán, chữ Nôm của người Việt thời trước). Một người thợ của tiệm Khương Lợi nói thêm: “Xem phim Hồng Kông, Trung Quốc cũng học được nhiều câu hay lắm”.
Dù xác định nghề này cung cấp các mặt hàng cần thiết cho nhu cầu tâm linh, lễ nghi của đời sống nhưng dường như không có nhiều người làm nghề. Anh Văn Ngọc Sơn, con trai ông Văn Phương cho hay trong các anh chị em thì chỉ có anh là người kế nghiệp gia đình và theo nghề đã 18 năm. Duyên cớ cũng tình cờ, bắt đầu từ việc anh có khiếu vẽ, tập tành làm theo cha, sau làm được thì thấy thích và gắn bó luôn với nghề cho đến nay. “Thích”, được anh Sơn lý giải đơn giản rằng “nó kích thích mình sáng tạo”. Đó là sáng tạo những mẫu thêu sao cho độc đáo, thiết kế những mẫu trướng, màn, hoành, liễn đối… sao cho đẹp mà không “đụng hàng”. Như vậy, lý do ít người theo nghề có lẽ vì nghề này đòi hỏi phải có năng khiếu hội họa cũng như sự kiên trì, sáng tạo.
Nói về nghề của mình, anh Sơn tự hào: “Làm nghề này không chỉ đơn thuần là buôn bán nên phải tâm huyết với nghề. Đồ thờ cúng được coi là những vật linh thiêng bởi nó thuộc về cõi tâm linh của con người, nên người ta có tin tưởng thì mới đến tiệm mình. Mà người ta đã tin tưởng mình thì mình phải quyết tâm làm cho đẹp”.
|