Tăng cường truyền thông chăm sóc và giáo dục mầm non
10:46', 28/8/ 2007 (GMT+7)

Giờ chơi của các cháu Trường Mầm non Vĩnh Thạnh. Ảnh: Long Vũ

Trong những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, sửa sang trường lớp và tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, chuẩn bị cho “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường” và khai giảng năm học mới 2007-2008. Trong dịp này, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức chăm sóc- giáo dục mầm non (CSGDMN) của Dự án CSGDMN cũng đang được triển khai.

Dự án CSGDMN (ECCE) do Cơ quan Phát triển Quốc tế New Zealand (NZAID) tài trợ cho tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5.2007 và bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 6.2007 (tháng 9.2008 sẽ kết thúc). Nội dung dự án gồm có 2 phần: Nâng cao nhận thức CSGDMN cho các cấp quản lý, cha mẹ trẻ thơ, người chăm sóc trẻ và cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh thông qua việc thực hiện các chiến dịch truyền thông; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học mầm non ở 58 xã vùng nghèo và khó khăn của tỉnh.

Để triển khai chiến dịch truyền thông, Ban quản lý dự án đã mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ truyền thông cơ sở; thành lập Ban chỉ đạo chiến dịch truyền thông của tỉnh. Ở cấp huyện, cấp xã cũng đã có ban thực hiện chiến dịch truyền thông với nhiều thành phần tham gia để tăng cường hiệu quả truyền thông.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức CSGDMN, Ban thực hiện chiến dịch truyền thông các cấp, thông qua nhiều hoạt động và nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, sẽ chuyển tải những thông tin cần thiết và căn bản về CSGDMN như cách tuyên truyền, vận động trẻ ra lớp học mầm non như thế nào; trẻ thơ có những nhu cầu gì; tuyên truyền về bình đẳng và hòa nhập trong giáo dục; về dinh dưỡng trẻ và cách phòng tránh một số bệnh tật liên quan đến dinh dưỡng trẻ em; hướng dẫn nội dung, hình thức và các phương pháp tuyên truyền…

Mục tiêu của Dự án là sẽ thực hiện truyền thông ở tất cả các xã, thị trấn trong toàn tỉnh; trong đó, tập trung làm mạnh ở 58 xã tham gia dự án. Cao trào của chiến dịch truyền thông sẽ bắt đầu từ ngày 20.8 đến ngày 10.9, là thời điểm trước ngày khai giảng năm học mới 2007-2008 và ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”; sau đó, sẽ tiếp tục được thực hiện nhiều lần vào các tháng còn lại đến khi kết thúc dự án.

Thông qua các hình thức như tổ chức mạn đàm, hái hoa dân chủ hay phối hợp với đài truyền thanh xã, các trung tâm học tập cộng đồng…, Ban thực hiện chiến dịch truyền thông các cấp sẽ thực hiện hàng loạt các hoạt động hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức CSGDMN. Đối tượng truyền thông mà dự án hướng đến là những hộ gia đình có con trong độ tuổi từ 0 đến 5 tuổi với mục tiêu phải có từ 95%-100% số phụ nữ trong diện này được tiếp nhận trực tiếp các nội dung truyền thông. Ngoài ra, dự án sẽ mở 22 lớp truyền thông nâng cao nhận thức CSGDMN cho cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp…

Bên cạnh đó, Dự án sẽ tổ chức thi sáng tác các sản phẩm truyền thông; mỗi xã sẽ có ít nhất từ 1-4 sản phẩm truyền thông (thơ, ca, hò, vè, câu đố, tranh ảnh cổ động…) có nội dung xoay quanh vấn đề CSGDMN. Sản phẩm truyền thông sẽ được tham gia dự thi ở cấp xã, huyện, cấp tỉnh và những sản phẩm tốt, có ý nghĩa sẽ được in và phổ biến trong toàn tỉnh.

Ngoài vấn đề nhận thức, một trong những nguyên nhân mà trẻ mầm non ở những vùng khó khăn ra lớp thấp còn là do năng lực giáo viên ở những nơi này hạn chế; cơ sở vật chất thì nghèo nàn… Bà Đoàn Thị Trung Hiếu, Quản đốc dự án cho biết: “Dự án sẽ xây dựng 69 phòng học ở 67 điểm trường lẻ chưa đạt mức chất lượng tối thiểu; cải tạo và xây dựng mới 11 điểm trường chính theo tiêu chí trường mầm non chuẩn quốc gia nông thôn và cung cấp trang thiết bị dạy học, đồ chơi cho các trường trên. 102 giáo viên mầm non của 58 xã tham gia dự án sẽ được tập huấn theo dạng “cầm tay chỉ việc”. Qua thực tế, giáo viên nào yếu quá sẽ được tập huấn lần 2. Ngoài ra, dự án sẽ có chuyên gia CSGDMN để giúp đỡ, tư vấn thêm cho giáo viên và hiệu trưởng Trường mầm non.

Mục đích cuối cùng của hoạt động truyền thông là vận động cho được các cháu trong độ tuổi từ 3-5 tuổi ra lớp mẫu giáo; nếu chưa ra lớp được thì phụ huynh cũng biết cách chăm sóc và tiếp cận các dịch vụ CSGDMN theo phương pháp mới. Trước đây, việc truyền thông, vận động trẻ mầm non ra lớp cũng đã được thực hiện nhưng do kinh phí còn hạn chế nên còn thiếu hấp dẫn, nhiều địa phương còn làm mang tính chất đối phó. Tỉ lệ trẻ 0- 5 tuổi ra lớp ở các vùng khó khăn hiện nay là khoảng 30%. Sau khi kết thúc dự án, hy vọng tỉ lệ này sẽ được nâng lên 75-80%.

  • Ngọc Quỳnh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ngành Tư pháp với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền  (28/08/2007)
Đưa vào sử dụng khu nhà khám và hành chính  (28/08/2007)
53 học viên hoàn thành khóa đào tạo giảng viên tiếng Chăm  (28/08/2007)
Đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình quan trọng  (27/08/2007)
Hơn 500 lượt người đến với các phiên chợ việc làm  (27/08/2007)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Dương thăm các cán bộ lão thành cách mạng  (27/08/2007)
Nghề của tâm linh  (25/08/2007)
Mẹ - bóng mát đời con  (25/08/2007)
Thay mới hơn 3.200 chậu cây trang trí các loại  (25/08/2007)
Cần tuyển 3.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh  (25/08/2007)
Trồng thêm 1.191 cây xanh  (24/08/2007)
Báo Bình Định trao tiền của bạn đọc giúp cháu Oanh  (24/08/2007)
Cán bộ Bình Định sang Lào học tiếng Lào  (24/08/2007)
Thêm 76 phòng học mới  (24/08/2007)
Sẽ thành lập Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Bình Định  (24/08/2007)