Xung quanh việc tổ chức Quỹ The Fred Hollows Foundation (FHF) tài trợ Bình Định triển khai dự án “Nâng cao năng lực phòng chống mù lòa thông qua chương trình chăm sóc mắt cộng đồng và xây dựng BV Mắt Bình Định”, Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng Văn phòng Dự án FHF tại Việt Nam.
* Thưa ông, vì sao tổ chức FHF lại lựa chọn Bình Định để triển khai dự án?
- Trước hết, tôi chọn Bình Định vì Bình Định nằm trong địa bàn phát triển chiến lược của tổ chức FHF đối với Việt Nam, cụ thể là miền Trung - Tây Nguyên. Thứ hai, cách đây chừng 5 năm, miền Trung - Tây Nguyên vẫn là “vùng trũng” về chăm sóc mắt so với hai đầu đất nước là Hà Nội và TPHCM. Còn hiện nay, dự án này không chỉ triển khai ở Bình Định mà đã được mở rộng đến 10 tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, Bình Định được chọn nằm trong dự án tổ chức triển khai thí điểm mạng lưới chăm sóc mắt dựa vào cộng đồng với quy mô lớn cùng với Quảng Trị, Phú Yên.
Ông Huỳnh Tấn Phúc tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Huế năm 1986, sau đó đi học chuyên khoa về mắt ở TPHCM. Năm 1995, ông Phúc chuyển sang làm việc cho tổ chức Tầm nhìn Thế giới, phụ trách một số dự án về y tế, trong đó có các dự án chăm sóc mắt và mổ đục thủy tinh thể. Năm 2003, ông Phúc làm việc cho tổ chức Quỹ FHF. Hiện nay, Văn phòng FHF tại Việt Nam có 12 nhân viên, kinh phí đạt 1 triệu USD/năm. |
* Được biết, ông không chỉ là một nhà quản lý mà còn là một BS chuyên khoa về mắt. Vậy, ông đánh giá như thế nào về các hoạt động của dự án đang được triển khai thực hiện tại Bình Định?
- Qua khảo sát ở Trung tâm Mắt các tỉnh để đánh giá nhu cầu ban đầu nhằm đưa ra kế hoạch trợ giúp, tôi đánh giá cao Trung tâm Mắt Bình Định có đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất vào loại hàng đầu trong cả nước.
Trên cơ sở đó, chúng tôi phát triển một số vấn đề mới, chuyên sâu trong lĩnh vực chăm sóc mắt. Ví dụ: theo dõi, đánh giá chất lượng sau ca mổ. Đây là một việc làm rất kỳ công. Chúng tôi cũng đề xuất với BS Nguyễn Thanh Triết-Giám đốc Trung tâm Mắt Bình Định thử nghiệm hệ thống mạng LAN, phát triển hệ thống theo dõi bệnh Glocom… nếu thành công sẽ tạo ra bước đột phá mới.
* Và Bình Định có nhiều ưu thế so với các địa phương khác?
- Theo tôi, ưu điểm rõ nhất của Bình Định là sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo tỉnh và sự chỉ đạo sát sao của ngành Y tế. Riêng về tiềm lực của Trung tâm Mắt, phải khẳng định rằng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở đây rất nhiệt tình và ham học hỏi, tiếp cận với những cái mới. Đặc biệt, tôi đánh giá cao cá nhân BS Triết là một nhà chuyên môn rất tốt, có tinh thần khoa học và xông xáo, là đầu tàu khích lệ đội ngũ nhân viên.
Về mặt địa lý, Bình Định có ưu thế tập trung so với các tỉnh xung quanh nên thu hút được số lượng lớn bệnh nhân ngoại tỉnh đến Trung tâm Mắt. Do đó, nếu đầu tư ở Bình Định thì sẽ góp phần “chia lửa” với BV Mắt Đà Nẵng, phục vụ tốt hơn cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
* Vậy, sắp tới dự án sẽ tập trung vào những hoạt động nào?
- Theo thiết kế ban đầu, chúng tôi mới chỉ triển khai dự án ở 4 huyện điểm (An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát và Phù Mỹ) với các hoạt động đào tạo phẫu thuật viên tuyến huyện, trợ giúp phòng khám và phòng mổ cho các BV, hỗ trợ các BS chuyên khoa mắt ở các BV này có thể tự phẫu thuật.
Mặt khác, trong thời gian qua, trong lĩnh vực chăm sóc mắt vẫn còn một số vấn đề bị bỏ ngỏ. Ví dụ như việc Trung tâm Mắt Bình Định phải bó tay với một số bệnh lý về mắt, buộc phải chuyển bệnh nhân đi Hà Nội hay TPHCM điều trị. Vì vậy, sắp tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình điểm ra toàn tỉnh, đồng thời tập trung chú trọng chất lượng của các hoạt động trong dự án.
* So với các tỉnh khác cũng được FHF đầu tư, Bình Định luôn là sự lựa chọn thử nghiệm, vì sao vậy?
- Nếu nói về kinh phí thì đầu tư ở Bình Định lớn hơn các tỉnh khác. Tuy nhiên, tôi không muốn dùng chữ ưu tiên ở đây bởi vì nơi nào có điều kiện phát triển thì chúng tôi đầu tư để phát triển. Và như tôi đã nói, nếu muốn thử nghiệm những vấn đề lớn, có chuyên môn cao thì chúng tôi buộc phải lựa chọn những đơn vị có tiềm năng, lợi thế về con người cũng như cơ sở vật chất ban đầu. Xét trên khía cạnh này, chúng tôi đã quyết định đầu tư nhanh hơn cho Bình Định.
Tất nhiên, nếu Trung tâm Mắt Bình Định có “sức” thì chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cao hơn nữa trong việc xây dựng chuẩn quản lý BV theo đúng chuẩn áp dụng các mô hình tiên tiến trên thế giới về chăm sóc mắt ở cộng đồng như Ấn Độ, Nepal và tấn công vào những mặt bệnh mới. Tôi đã bàn với lãnh đạo Trung tâm, chúng tôi sẵn sàng thuê các chuyên gia nước ngoài về quản lý BV về làm việc ở trung tâm một tuần, hoặc nửa tháng để tư vấn, góp ý xây dựng mô hình quản lý khoa học, đúng tiêu chuẩn và đem lại lợi ích cho cả cộng đồng.
* Cám ơn ông!
|