BVĐK HUYỆN VÂN CANH:
Điêu đứng vì thiếu… bác sĩ !
14:8', 30/8/ 2007 (GMT+7)

7 năm liền BVĐK huyện Vân Canh không tuyển được một bác sĩ nào.

7 năm liền không tuyển được bác sĩ (BS), trong khi BS được đào tạo từ nguồn của địa phương lại lần lượt… bỏ đi. Đó là thực tế đã và đang diễn ra ở BVĐK của huyện miền núi Vân Canh.

* Đốt đuốc tìm... BS!

BVĐK huyện Vân Canh có 40 giường bệnh nội trú (bao gồm 35 giường bệnh nội trú và 15 giường bệnh ngoại trú quy đổi). Theo kế hoạch, bệnh viện (BV) được giao 37 biên chế. Thế nhưng, dù lãnh đạo BV có đốt đuốc đi tìm cũng không cách nào tuyển đủ BS.

Hiện tại, BV chỉ có 8 BS phục vụ tại 3 liên khoa điều trị: Ngoại-Sản, Nội-Nhi-Lây, khoa Khám và hồi sức cấp cứu. Trong số này, hai BS lãnh đạo vừa làm công tác  quản lý vừa kiêm luôn nhiệm vụ của BS điều trị, 6 BS còn lại phải chia đều cho 3 liên khoa. Nếu tính đủ nhân lực để khám bệnh, điều trị thì BV buộc phải có 17 BS.

BS Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc BV, cho biết: “Không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2000, chúng tôi đã không tuyển được BS. Năm nay, chúng tôi dự trù xin hai BS nhưng cầm chắc cũng không tuyển được”.

Không tuyển được người, để lấp chỗ trống, BV chọn giải pháp đưa y sĩ từ BV đào tạo thành BS. Nhưng có được người nào thì đều lần lượt bỏ đi. Chỉ trong thời gian từ năm 1992 đến nay đã có 6 BS bỏ đi, nhiều người trong số đó có thâm niên công tác 8-10 năm.

* “Bắt cóc, bỏ dĩa”

Vì không có nhân lực nên nhiều BS bị “bắt cóc, bỏ dĩa”, huy động làm việc không đúng với chuyên môn, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám và điều trị bệnh.

Khoa Ngoại-Sản có 2 BS nhưng cả hai đều là BS chuyên khoa ngoại. Vậy là, nhiều năm liền, cả hai BS này thay nhau kiêm luôn nhiệm vụ của một BS… sản khoa.

Hay như khoa Nội-Nhi-Lây có 25 giường bệnh với 2 BS phụ trách khám và điều trị các chuyên khoa: nội, nhi, lây, đông y và trung cao. Kết quả, việc điều trị cho bệnh nhân bằng đông y bị bỏ trống vì 2 BS của khoa bị “xoay” đến nỗi không kịp thở, lấy đâu thời gian để điều trị bằng cách châm cứu, xoa bấm huyệt…

Tuy nhiên, điều làm cho lãnh đạo BV đau đầu nhất là đến thời điểm hiện nay, BV vẫn chưa có BS phụ trách các chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt và chuyên khoa Mắt. Ngay đến cả kỹ thuật viên gây mê hỗ trợ BS xử lý các trường hợp buộc phải phẫu thuật cũng không có.

Thiếu nhân lực làm việc, BS không thể học thêm nghiệp vụ chuyên môn, chứ chưa nói đến chuyện học nâng cao. Bởi thế, BV chỉ giải quyết những trường hợp bệnh lý đơn giản, hoặc có phẫu thuật thì cũng chỉ trong một giới hạn nhất định (mà lẽ ra  BV huyện làm được).

* Giải pháp nào?

Vì không có BS nên từ khi thành lập cho đến nay, BV hầu như không thể triển khai được các chuyên khoa, còn hoạt động chuyên môn cũng chỉ ở mức cầm chừng.

BS Ngọ thừa nhận: “Sở dĩ, các BS không về đây phần nhiều là do thu nhập thấp (bao gồm cả lương và chế độ cán bộ miền núi) không thể ổn định được cuộc sống. Mặt khác, việc đầu tư cho ngành y tế huyện miền núi chưa nhiều nên BS dù có chuyên môn cũng không có điều kiện phát huy năng lực”.

Trong vài năm gần đây, sự khan hiếm BS đã làm cho nhân lực trong các BV tuyến huyện, nhất là các huyện núi càng mỏng. Chúng ta thử làm phép so sánh đơn giản, cùng là BS nhưng ở các huyện đồng bằng và thành phố, ngoài thu nhập còn có thêm các khoản khác và mở thêm phòng khám. Thậm chí, một số BS hầu như chỉ làm việc trong các phòng mạch tư nhân. Trong khi ở Vân Canh, chuyện mở phòng mạch tư nhân cũng là một câu chuyện dài “cười ra nước mắt”. Và còn rất nhiều yếu tố tác động khác xung quanh các BS ở tuyến huyện nên dù có tâm huyết với ngành y tế huyện nhà đến đâu chăng nữa thì họ cũng không thể gắn bó dài lâu được.

Vì thế, giải pháp căn cơ nhất để “giữ chân” các BS là bắt buộc phải có chính sách hỗ trợ để họ có thể phần nào ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ BS cũng sẽ tạo điều kiện để họ được cống hiến và phát huy năng lực.

  • Thu Hiền
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
FHF sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn cho Trung tâm Mắt Bình Định  (30/08/2007)
Phát hiện 30 mẫu thuốc kém chất lượng  (30/08/2007)
238 hộ đã được giao đất ở tái định cư vượt lũ  (30/08/2007)
Tặng quà cho học sinh nghèo nhân ngày khai giảng  (30/08/2007)
Chuẩn bị 1.500 chỗ ở ký túc xá cho tân sinh viên  (30/08/2007)
Malaysia trả tự do cho 16 ngư dân Bình Định  (30/08/2007)
Tài trợ học bổng cho học sinh Bình Định đậu thủ khoa các trường đại học  (29/08/2007)
Trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi  (29/08/2007)
Hỗ trợ 30 triệu đồng cho 90 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học  (29/08/2007)
Hỗ trợ thiết thực cho các nạn nhân  (29/08/2007)
Trên 843 triệu đồng ủng hộ vào quỹ “Vì người nghèo”  (29/08/2007)
Phân bổ 1,646 tỉ đồng hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở  (29/08/2007)
Giảm án tha tù cho 248 phạm nhân  (29/08/2007)
Tăng cường truyền thông chăm sóc và giáo dục mầm non  (28/08/2007)
Ngành Tư pháp với công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền  (28/08/2007)