Cách đây tròn 62 năm, nhân ngày khai trương năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh cả nước với những lời dặn dò vô cùng tâm huyết. Người căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Giữa bộn bề khó khăn của một nhà nước mới khai sinh, giữa lúc “thù trong, giặc ngoài” luôn rình rập và quấy phá, nạn đói kém là vấn đề lớn trên cả nước… nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, đã cho thấy tư duy sáng suốt và tầm “nhìn xa, trông rộng” rất vĩ đại của Người. Xác định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, không chỉ lo việc học hành cho lứa tuổi học sinh, Người còn phát động phong trào toàn dân tham gia “diệt giặc dốt” cùng với “diệt giặc đói”. Nhờ đó rất nhiều đồng bào từ chỗ không biết chữ đã đọc thông, viết thạo và trở thành lực lượng cách mạng tin cậy của Đảng và Chính phủ.
Đặc biệt, Bác Hồ luôn quan tâm đến các vấn đề trọng yếu của giáo dục như phương pháp giáo dục, mục tiêu giáo dục… rất thiết thực mà cũng rất hiện đại. Năm 1950, trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, Bác dặn: “Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết hy sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa” và “trong lúc học cũng cần làm cho chúng vui, trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường, trong xã hội, chúng đều vui đều học”... Nguyên lý “học đi đôi với hành” luôn được Bác Hồ chú ý, bởi theo Người: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Do đó, không chỉ học văn hóa mà còn phải trau dồi đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống lành mạnh. Năm 1960, tại Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, Bác đã “báo động” với Trung ương về chương trình giáo dục của nước ta lúc đó, bằng một nhận xét: “Tôi xem chương trình giáo dục của 10 lớp, thì từ lớp một cho đến lớp mười, phần giáo dục rất thiếu sót, chỉ có 10 dòng”(!). Một nhận xét vô cùng sâu sắc và cụ thể mà có lẽ chỉ những người thật sự quan tâm đến giáo dục bằng cả tấm lòng và tâm huyết của mình mới chỉ ra được.
Nhận xét của Bác không chỉ mang tính truyền thống của giáo dục “tiên học lễ hậu học văn” vẫn còn là tư tưởng chỉ đạo quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của đất nước ta. Tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn cách mạng hiện nay và sau này. Đó cũng chính là điều mà nền giáo dục - đào tạo nước nhà hiện nay cần quán triệt và thực hiện tốt để đào tạo nguồn nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước hiện nay.
|