Trong 3 ngày (từ 24 đến 26.8), Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên đã tổ chức phiên chợ việc làm tại 3 huyện Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước. Dù Ban tổ chức đánh giá là... thành công (!), nhưng thực tế thì người lao động đến “chợ” thưa thớt, các doanh nghiệp (DN) thì tuyển được rất ít lao động…
|
Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt cần tuyển gấp 200 lao động phổ thông, nhưng qua phiên chợ việc làm chỉ có 30 người đăng ký.
|
* Cần nhiều, tuyển chẳng được bao nhiêu
Đó là tình trạng chung của các DN tham gia phiên chợ việc làm. Trong khi nhu cầu tuyển dụng của các DN rất lớn, nhưng số lượng người lao động đăng ký làm việc lại rất ít. Theo ông Nguyễn Hiếu Nghĩa, nhân viên Phòng Hành chính-Nhân sự, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt (KCN Phú Tài), do Nhà máy Tiến Đạt 2 chuyên sản xuất đồ gỗ trong nhà sẽ đi vào hoạt động tháng 9.2007 nên công ty đang cần tuyển gấp 200 lao động phổ thông. Qua 3 ngày tham gia phiên chợ việc làm diễn ra ở 3 địa phương khác nhau, cũng chỉ có 30 người đến đăng ký vào làm việc tại công ty.
Có hai DN lặn lội từ khá xa đến với phiên chợ việc làm là Công ty TNHH may mặc Lang Ham (KCN Trảng Bàng, Tây Ninh) và Công ty giầy Đức Thành (TP Hồ Chí Minh) nhưng cả hai cũng chỉ tuyển được vài lao động. Theo thông báo, Công ty giầy Đức Thành cần tuyển 300 lao động và công ty cũng đưa ra những chế độ, quyền lợi khá hấp dẫn nhưng cũng chỉ có 17 người đăng ký làm việc. Còn Công ty TNHH may mặc Lang Ham cần tuyển 200 lao động, chỉ có... 6 người đăng ký. Một cán bộ của Công ty giầy Đức Thành băn khoăn: “Phiên chợ được tổ chức ở các vùng quê nên chúng tôi hy vọng sẽ tuyển được nhiều lao động, vậy mà kết quả thì ngược lại. Không biết là do người dân quê đã có công ăn việc làm ổn định, hay là do thông tin chưa đến được với người dân mà số lượt người đến với phiên chợ khá thưa?”.
Ngược lại, có nhiều người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học mang hồ sơ đến phiên chợ tìm việc nhưng nhu cầu lại không có. Chị Nguyễn Thị Mai Hương ở thị trấn Vân Canh (Vân Canh), tốt nghiệp trung cấp kế toán đã hơn 1 năm nhưng chưa tìm được việc làm, nghe tin phiên chợ tổ chức tại huyện, đã mang hồ sơ dạo hết các gian hàng thì mới biết không có DN nào cần tuyển. Và trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt.
* Phải có cách làm mới
Đây là năm thứ 5, Bình Định tổ chức các phiên chợ việc làm để tạo cầu nối giữa các DN với người lao động. Những phiên chợ trước đây đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động. Ông Trần Hữu Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm và Dạy nghề Thanh niên nhận định: “Những năm trước đây, việc tổ chức phiên chợ việc làm đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Nhưng thời điểm hiện nay, cách tổ chức phiên chợ như thế này đã không còn phù hợp nữa mà phải có sự thay đổi”. Thông thường lâu nay cách tổ chức phiên chợ việc làm đều giao xuống các địa phương để thống kê số lao động cần việc. Nhưng do không có kinh phí, cũng như nhiều địa phương làm không hết trách nhiệm nên việc thống kê không chính xác, dẫn đến nhiều phiên chợ số lượng người đến tham gia ít dần. Hoặc có đến cũng chỉ cho có mặt chứ nhu cầu tìm việc không có.
Lãnh đạo của một xã ở huyện An Nhơn thừa nhận: “Nhiều khi xã giao xuống cho cán bộ thôn thống kê người thất nghiệp để lập danh sách mời tham gia phiên chợ việc làm. Nhưng do đây là việc làm không công nên một số cán bộ chỉ cần lật sổ và thống kê những người trong độ tuổi lao động, rồi lập danh sách báo cáo về xã, trong khi họ không trực tiếp đến từng nhà dân”.
Hiện nay, một số DN ở KCN Phú Tài đều có phương án tuyển lao động khá hiệu quả, cứ một người được giới thiệu tuyển dụng thì DN sẽ chi trả tiền cho người giới thiệu là 20.000 đồng/người. Nên chăng hãy áp dụng mô hình này thay cho việc tổ chức phiên chợ việc làm để khỏi mất thời gian và tốn kém. Khoản kinh phí dùng để tổ chức phiên chợ việc làm sẽ dành hỗ trợ cho các cán bộ xã, thôn hoặc những người trực tiếp đến từng nhà dân khảo sát thực trạng lao động.
Từ số liệu khảo sát thực tế về số lao động cần việc, cũng như nhu cầu ngành nghề của người lao động ở từng địa phương, báo cáo về Sở LĐ-TB-XH. Căn cứ vào số liệu thực tế đó, Sở LĐ-TB-XH sẽ giới thiệu cho từng DN, đơn vị có nhu cầu đến trực tiếp từng địa phương để tuyển dụng. Nếu áp dụng cách làm này, nhiều khả năng hiệu quả mang lại sẽ cao hơn, thiết thực hơn và có nhiều người dân ở nông thôn có được việc làm ổn định, đúng với ngành nghề họ có hay đã học.
|