Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, chúng tôi tìm gặp ông Phạm Đình Minh, 80 tuổi - một trong những nhân chứng của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Quy Nhơn vào ngày 23.8.1945 lịch sử. Ký ức của những ngày hào hùng cách đây 62 năm đã sống lại mãnh liệt trong ông.
|
Ông Phạm Đình Minh
|
* Hồi ức về Trường Collège Quy Nhơn
Cuốn “Lịch sử TP Quy Nhơn” ghi lại: “Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8.1945, các tổ chức Việt Minh ở Quy Nhơn đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động nhằm phổ biến rộng rãi cho quần chúng 10 chính sách lớn của Việt Minh… Nhóm Việt Minh Trường Collège Võ Tánh thì tổ chức cắm trại tại Eo Mén sinh hoạt văn nghệ cách mạng…”. Nhóm Việt Minh Trường Collège Võ Tánh (tức Collège Quy Nhơn) chỉ là một trong nhiều tổ chức Việt Minh được thành lập ở Quy Nhơn và sử cũng chỉ ghi lại vắn tắt như thế. Thế nhưng qua lời kể của ông Phạm Đình Minh, một thành viên cốt cán của nhóm Việt Minh Trường Collège Quy Nhơn ngày ấy, có thể thấy cả một bầu không khí sôi sục chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Ông kể:
“Hồi đó, nhà tôi ở gần đồn lính khố đỏ của Pháp (tức BVĐK tỉnh bây giờ). Vì vậy ngay từ nhỏ, tôi đã chứng kiến cảnh bọn lính Pháp đánh đập, hành hạ người dân. Tôi tham gia cách mạng, bắt đầu từ những nỗi uất ức tuổi thơ.
Năm 1944, tôi 17 tuổi, học Trường Collège Quy Nhơn, thì được một số đảng viên của chi bộ Dépô Diêu Trì giác ngộ cách mạng. Cũng thời gian này, chúng tôi được một thầy giáo của Trường tư thục Nam Anh cho một cuốn sách nói về Việt Minh. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc và quyết định: phải thành lập Hội học sinh cứu quốc.
Tôi còn nhớ rõ, ngày 11.5.1945, chúng tôi gồm 7 người cùng nhau đi cắm trại tại chùa Eo Mén (tức Vân Nam tự, nằm dưới chân đèo Cù Mông). Tối 12.5, chúng tôi tổ chức sinh hoạt, đốt lửa trại và đem cuốn sách về Việt Minh ấy ra đọc chung. Anh em chúng tôi trao đổi và quyết định thành lập “Hội học sinh cứu quốc xứ Nhu”, do anh Phạm Văn Nhân làm Hội trưởng. Lễ thành lập Hội và kết nạp hội viên đơn giản nhưng vô cùng trang nghiêm. Chúng tôi cùng chung một ý nghĩ: từ nay là hội viên Hội học sinh cứu quốc, mình phải góp phần làm gì đó cho quê hương đang trong cảnh lầm than. Sau đó, Hội tiếp tục vận động nhiều học sinh cùng tham gia, lúc đông nhất Hội có hơn 60 người.
Hội chúng tôi thường bí mật họp để nói chuyện với nhau về Mặt trận Việt Minh, viết khẩu hiệu, truyền đơn và đi rải trên phố.
Một lần tôi nhận nhiệm vụ đi rải truyền đơn và suýt bị bắt. Tôi rải đến Sở Cố (Trường ĐH Quy Nhơn bây giờ) thì gặp một anh xe kéo chặn đường thông báo: “Cậu đang bị một tên chỉ điểm đi theo”. Tôi vội chạy vào nhà một người quen giấu xe đạp và mượn anh chủ nhà bộ đồ dầu thay vào. Quả thật, 3 tên lính Nhật và một thằng chỉ điểm chạy tới, chúng hỏi tôi: “Có thấy một thằng nhỏ mặc quần short trắng, đi xe đạp rải truyền đơn vào đây không?”. Tôi nói không thấy, chúng bèn bỏ đi.
Sáng 23.8.1945, theo sự phân công của Hội học sinh cứu quốc, tôi tham gia vào đoàn biểu tình đi giành chính quyền. Lúc ấy, cả Quy Nhơn sôi sục khí thế cách mạng. Hàng ngàn công nhân, nông dân, lao động, học sinh… từ các nơi cờ giong trống thúc, mang theo vũ khí thô sơ và cờ đỏ sao vàng nô nức tiến về Quy Nhơn. Tôi cùng một người nữa được cầm băng rôn có dòng chữ “Việt Nam độc lập muôn năm” đi đầu một trong hai đoàn biểu tình đến ga Quy Nhơn. Chúng tôi vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Đả đảo phát xít Nhật”… Sau đó đoàn chúng tôi nhập với đoàn người tập trung ở sân vận động Quy Nhơn chia thành 2 đoàn tiến chiếm 2 mục tiêu quan trọng là Đốc bộ đường và Tòa đốc lý, rồi chiếm trại bảo an. Cả Quy Nhơn hừng hực như có lửa…”.
|
Con đường Phạm Ngọc Thạch từng được gọi là con đường cộng sản.
|
* Huyền thoại Con đường cộng sản
Cuối năm 1931, cách mạng Bình Định bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách. Các tổ chức Đảng (chi bộ Nhà máy Đèn, chi bộ Đảng ở Hoài Nhơn) và cơ sở quần chúng trong toàn tỉnh hầu như bị phá vỡ hoàn toàn, phong trào cách mạng trong toàn tỉnh tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, ở nhà lao Quy Nhơn, phong trào đấu tranh của tù chính trị lại diễn ra khá mạnh mẽ và liên tục. Và cái tên “Con đường cộng sản” mà người dân vinh danh cho một con đường ở Quy Nhơn đã ra đời từ phong trào đó.
Đầu năm 1932, thực dân Pháp cho mở con đường bên hông trại lính khố đỏ, nay là đường Phạm Ngọc Thạch. Hơn 100 tù chính trị ở nhà lao Quy Nhơn bị chúng bắt đi lao dịch đắp đường. Chúng bắt lao tù lắp một đường ray chạy từ biển vào để đẩy xe rùa (giống như xe đẩy thu gom rác bây giờ) chở cát đắp đường. Trong ký ức của cậu bé 5 tuổi Phạm Đình Minh lúc ấy, bọn lính Pháp thật tàn ác. Ông kể lại: “Có hai tù nhân đang đẩy hai chiếc xe chở cát trên đường ray. Đến đoạn xuống dốc, bỗng người đẩy xe đi sau bất ngờ bị một tên cai tù vung roi giáng xuống một đòn thật mạnh. Anh ấy đau đớn và thả tay. Chiếc xe chở đầy cát lao thẳng tới và cán chết ngay lập tức người tù đang đẩy xe phía trước”.
Những sự việc như vậy đã làm dấy lên trong anh em tù nhân phong trào đấu tranh chống lại sự đánh đập của bọn cai tù. Phong trào này được đông đảo nhân dân Quy Nhơn đồng tình ủng hộ. Nhiều người nhà ở gần đó thương anh em tù binh đã lén để các mo cau cơm dưới các gốc cây để anh em tù ăn thêm cho có sức. Và người dân đã gọi con đường thấm đẫm máu của những chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy là “Con đường cộng sản”.
|