Nghề cắt mướn
11:32', 1/9/ 2007 (GMT+7)

Mùa cắt. Trên các con đường quê dọc tuyến tỉnh lộ từ thị trấn Tuy Phước đi Cát Tiến (Phù Cát) như một “đại công trường”. Chỗ này cắt lúa chỗ kia máy suốt lúa vận hành. Các tuyến đường huyết mạch bỗng chốc biến thành những sân phơi. Người đảo lúa, người giê lúa... bụi trấu bay mịt mù, tấp vào mặt người đi đường.

 

Vào mùa vụ, những hộ nông dân thiếu lao động phải thuê thợ cắt.

 

6 giờ sáng. Tại ngã ba Phổ Đồng- Lạc Điền xã Phước Thắng (Tuy Phước), chúng tôi gặp vài nhóm phụ nữ đang chờ người thuê cắt lúa. Người đứng giữ ghi đông xe đạp, người  tranh thủ ngồi nghỉ bên vệ đường. Những bộ đồ đen, chiếc nón cũ mèm sờn vành đã ngả sang màu hẩm. Những chiếc khăn mùi-soa lớn che kín mặt. Họ chỉ lột khăn ra khi trao đổi, ngã giá với người đến thuê.

Nhóm cắt lúa của chị Lê Thị Hoa, 42 tuổi, ở xã Phước Hưng (Tuy Phước) có 10 người. Họ xuống cắt mướn ở khu vực Phước Thắng đã hơn 10 ngày nay. Chị Hoa cho biết, chỉ vài ngày nữa là mùa cắt ở đây hoàn thành, nhóm của chị sẽ tiếp tục chuyển sang khu vực khác. “Chúng tôi làm khoán. Giá cả cũng không hay cùng. Đám ruộng nào xấu, lúa ngã lại ở xa đường cái thì khoảng 130 - 150 ngàn đồng/sào. Ruộng gần, lúa tốt thì 90- 100 ngàn đồng/sào. Sau một ngày làm, nhóm chia đều tiền công. Ngày nào làm nhiều mỗi người cũng được 60 - 70 ngàn đồng, ngày ít, được 40 - 50 ngàn đồng, tùy theo ruộng!”- Chị Hoa tâm sự.

Tại cánh đồng ở thôn Tân Tiến, xã Cát Tiến (Phù Cát), chúng tôi gặp các nhóm cắt lúa mướn từ Phước Hiệp (Tuy Phước) xuống. Đám lúa họ đang cắt ở sát đường nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, những vùng ở cuối nguồn sông Kôn này đều bị ngập úng. Lúa ngã rạp. Chân ruộng hiện vẫn còn sũng nước. Chị Nguyễn Thị Phượng, 48 tuổi, cùng chồng và nhóm cắt lúa mướn ở Phước Hiệp cho biết: “4-5 giờ sáng là cả xã kéo nhau đi cắt lúa mướn. Phải đến hàng trăm người. Nhà tui có 3 sào ruộng, làm 3 vụ, lúa đang thời con gái nên còn rảnh rang. Vợ chồng, con cái dắt díu nhau đi chỗ này, chỗ khác cắt mướn, hay làm việc vặt để có thêm thu nhập”. Còn chị Trần Thị Hà, 29 tuổi cho biết: “Tôi đi cắt mướn kiếm ít tiền mua sách, vở, quần áo cho đứa con trai năm nay học lớp 3, sắp bước vào năm học mới”.

Quá trưa. Mấy đám ruộng chỉ còn trơ gốc. Nhóm thợ cắt lúa mướn tranh thủ nghỉ ngơi và giở cơm trưa ra ăn. Bữa ăn chỉ gồm cơm gói, vài con cá vụn kho mặn hay mấy cái bánh tráng nhúng chấm nước mắm ớt. Lao động nặng nhọc, cái đói cũng đến nhanh nên trông họ ăn có vẻ ngon lành. Chị Lê Thị Thái, nhóm thợ cắt lúa từ Nhơn Phong (An Nhơn) xuống làm thuê tại thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng (Tuy Phước) đang cười nói rổn rảng với đồng nghiệp trong vài phút giải lao hiếm hoi giữa trưa, tỏ ra thân thiện với mấy cô nhà báo hơn cả. Chị nói: “Đi cắt lúa mướn rất vất vả. Cả ngày phải ngâm chân trong nước ruộng ngập úng nên chân ai cũng nứt nẻ, nở nước phù nề rất khó chịu... Nhưng, nói vậy thôi, đi cắt mướn như vầy thu nhập còn khá hơn làm ruộng nhà…”.

Hiện nay tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, những nông dân có sức khỏe kéo nhau đi làm ăn xa. Nhiều gia đình con cái lớn, đi học, đi làm ở thành phố, thị trấn nên đến mùa thường thiếu người thu hoạch. Bên cạnh hoạt động vần công, đổi công, dịch vụ cắt lúa mướn đã xuất hiện và nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thiếu lao động mùa vụ.

Tham gia vào dịch vụ này, thường là một nhóm phụ nữ. Khi ruộng nhà đã cắt xong hay chưa đến mùa cấy hái, họ thường đến những nơi chuẩn bị thu hoạch để tìm việc. Người thuê thường khoán theo “sào”, cắt xong, thì gánh lúa ra đường cái rồi thuê máy suốt (20 ngàn đồng/sào), suốt lúa đổ vào bao cho chủ. Mỗi mùa thu hoạch lúa (thường kéo dài khoảng trên dưới 1 tháng), họ có thêm thu nhập từ 1,2 triệu - 2 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn so với thu nhập từ chính mảnh ruộng của họ ở quê nhà. Bởi vậy, nghề cắt lúa mướn vẫn có “đất” để tồn tại và phát triển.

  • Ngọc Quỳnh - Xuân Vinh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ký ức mùa thu  (01/09/2007)
Những ngày tháng Tám lịch sử ở Bình Định  (01/09/2007)
Lãnh đạo tỉnh viếng Nghĩa trang liệt sĩ TP Quy Nhơn  (01/09/2007)
Trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 2.9 cho 471 đảng viên  (01/09/2007)
Sẽ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy trên tất cả các tuyến đường  (31/08/2007)
Thông báo kết quả hai cuộc thi viết “Bút ký - phóng sự - nhân vật” và “Tin tức 24h”  (31/08/2007)
Ngành Thuế tỉnh làm việc ngày thứ Bảy  (31/08/2007)
An Nhơn đón nhận cờ thi đua của Chính phủ  (31/08/2007)
Cung một nơi, cầu một nẻo ?  (30/08/2007)
“Học để làm việc, làm người…”  (30/08/2007)
Điêu đứng vì thiếu… bác sĩ !  (30/08/2007)
FHF sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn cho Trung tâm Mắt Bình Định  (30/08/2007)
Phát hiện 30 mẫu thuốc kém chất lượng  (30/08/2007)
238 hộ đã được giao đất ở tái định cư vượt lũ  (30/08/2007)
Tặng quà cho học sinh nghèo nhân ngày khai giảng  (30/08/2007)