Ngày mai, 5.9, cùng với cả nước, hơn 376 ngàn học sinh (HS) các cấp trong tỉnh sẽ bước vào năm học mới 2007-2008. Trong không khí rộn rã của ngày khai trường, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Cao Văn Bình, Phó giám đốc Sở GD-ĐT về những nhiệm vụ của năm học mới- năm học thứ hai thực hiện “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục (GD)”.
|
Thông điệp của năm học mới - Dạy thật, học thật, kết quả thật. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (TP Quy Nhơn). Ảnh: Q.H
|
* Qua một năm thực hiện cuộc vận động “2 không”, kết quả lớn nhất mà ngành GD-ĐT thu được là gì, thưa ông?
- Hầu hết đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp đều có ý thức đối với cuộc vận động này và xác định được tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc hơn trong kiểm tra, đánh giá chất lượng HS. HS các ngành học, cấp học đã có nhiều cố gắng hơn trong học tập, rèn luyện, động cơ, thái độ học tập đã có chuyển biến đáng kể. Việc tổ chức “dạy thật, học thật” đã được các cơ sở GD hưởng ứng tích cực. Chất lượng GD được đánh giá đúng thực chất hơn: HS tốt nghiệp THPT khóa ngày 30.5.2007 đạt tỉ lệ 71,37%, xếp thứ 25 so với 64 tỉnh thành trong cả nước. Các phòng GD-ĐT, các trường tiểu học, các trường THCS đã thực hiện nghiêm túc việc xét HS hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận người học tốt nghiệp THCS với 98,1% HS lớp 5 hoàn thành chương trình Tiểu học và 97,2% HS lớp 9 tốt nghiệp THCS.
* Ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” trong năm học 2007-2008 như thế nào?
- Ngay từ đầu năm học 2006-2007, Sở GD-ĐT đã chủ động tổ chức khảo sát chất lượng HS. Kết quả khảo sát cho thấy: Tiểu học có 5,32% HS chưa đạt yêu cầu kiến thức của lớp đang học, đối với THCS tỉ lệ này là 7,48% và lớp 10 ngoài công lập là 26,84%. Việc có một bộ phận HS yếu kém là điều không thể tránh khỏi vì khả năng tư duy và hoàn cảnh gia đình của trẻ không thể như nhau. Tuy nhiên, đây cũng là hậu quả của việc chạy theo thành tích của một số cán bộ quản lý và giáo viên trong thời gian khá dài đã qua.
Với tinh thần trách nhiệm, không né tránh những khiếm khuyết của chính mình, cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành đã có những cố gắng đáng kể để từng bước khắc phục tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”. Cuối năm học 2006-2007, số lượng HS yếu kém ở từng cấp học như sau: Cấp tiểu học còn 4.250 HS phải rèn luyện lại trong hè, tỉ lệ 3,08% (kể cả HS khuyết tật diện học hòa nhập). Cấp THCS còn 647 HS học lực kém, tỉ lệ 0,47%. Cấp THPT còn 180 HS học lực kém, tỉ lệ 0,29%. Riêng khối lớp 10 THPT phân ban có 101 HS có học lực kém, tỉ lệ 0,42%.
Về phía Sở, chúng tôi đã tích cực chỉ đạo tất cả các trường phổ thông tiếp tục phụ đạo, bổ sung kiến thức cho HS yếu, kém trong thời gian nghỉ hè, nhất là HS lớp 5 và lớp 9 THCS. Tuy nhiên, khó khăn mà các trường phổ thông đang gặp phải trong việc khắc phục tình trạng HS “ngồi nhầm lớp” là việc duy trì sĩ số HS các lớp phụ đạo vì các em có tâm lý mắc cỡ, không muốn người khác coi mình là kẻ “ngồi nhầm lớp”. Nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần động viên các em…
* Thưa ông, trong không khí của ngày khai trường đang rộn rã ở khắp các địa phương, thông điệp của năm học 2007-2008 mà ngành GD-ĐT muốn gửi đến phụ huynh HS và toàn xã hội là gì?
- Năm học 2007-2008 là năm toàn ngành GD-ĐT tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung trọng tâm: Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc cho HS không đạt chuẩn lên lớp.
Nhiệm vụ năm học 2007- 2008 đối với bậc học phổ thông có một số nét mới: Cuộc vận động “2 không” có thêm nội dung mới; Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khung thời gian năm học cụ thể cho các cấp học, ngành học trong tỉnh; Thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn đến lớp 11 THPT và bổ túc THPT; Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kiên quyết thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ về ATGT trong toàn ngành. |
Ngay trong hội nghị tổng kết năm học 2006-2007 và triển khai nhiệm vụ năm học 2007-2008, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho các trường trực thuộc ký cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “2 không” với 4 nội dung trên. Theo tôi, để tiếp tục thực hiện cuộc vận động đạt hiệu quả cần: bám sát thực tiễn và có kế hoạch cụ thể, khảo sát, kiểm tra cơ sở để giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học; Trong điều kiện hạn chế về tài chính và cơ sở vật chất, cần phát huy nhân tố con người, khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình và nâng cao năng lực công tác của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD; Để nâng cao chất lượng và hiệu quả GD phải quán triệt chủ trương chuẩn hóa trong GD, trước hết tập trung chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GD. Cùng với việc đánh giá đúng chất lượng học tập, rèn luyện của HS cần phải đánh giá đúng thực chất đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD.
Năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện “Dạy thật, học thật, kết quả thật”. Rất mong các bậc phụ huynh và toàn xã hội quan tâm ủng hộ để ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
* Cám ơn ông!
|