Đây đã là năm thứ 5, học sinh và giáo viên ngành GD-ĐT huyện Tuy Phước tựu trường sớm hơn so với các địa phương khác trong tỉnh để tránh lũ. Về thăm các trường ven đê Khu Đông của huyện vào tuần trước khai giảng 5.9, việc dạy và học đã đi vào nề nếp.
|
Học sinh vùng lũ Tuy Phước đã bắt đầu năm học mới 2007-2008 được 1 tuần. Trong ảnh: Học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học số 2 Phước Thắng.
|
Nằm ở vùng sâu, trũng nên chỉ cần vài cơn mưa lớn, các vùng ven đê Khu Đông của huyện Tuy Phước đã ngập trắng trong nước. Vào mùa mưa, lũ, học sinh đi học rất khó khăn. Bà Đặng Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Phước Thắng cho biết: “Năm nào, học sinh cũng phải nghỉ lụt. Ít nhất là 1 tuần, có năm nghỉ nhiều phải mất 4 tuần. Nếu không tổ chức học trước khai giảng, trường chỉ còn cách là dạy bù thứ Bảy, Chủ nhật cho học sinh. Mà như thế thì vừa bị động, vừa mang tính chất nhồi nhét kiến thức, không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Dạy trước 1-2 tuần trước khai giảng là một giải pháp tốt đối với những vùng đặc thù của huyện”.
Chúng tôi ghé thăm điểm trường thôn Lạc Điền (thuộc Trường Tiểu học số 2 xã Phước Thắng). Điểm trường có 6 phòng học dành cho học sinh các thôn giáp đầm Thị Nại. Do triền miên bị ngập nước hàng năm vào mùa lụt nên các phòng học đều đã xuống cấp, một vài cánh cửa lớp học ọp ẹp, rệu rã, bàn ghế học sinh cũ kỹ tuy nhà trường đã cố gắng gia cố trước năm học mới.
Trường nghèo, học sinh đi học cũng không khá hơn. Năm học mới mà chỉ có rất ít học sinh mặc đồng phục mới, đi giày mới. Ngay cả sách giáo khoa các em đem tới trường, hầu hết cũng là sách cũ của anh chị để lại. Học sinh Huỳnh Ngọc Hàn, lớp 2B nhà ở thôn Huỳnh Giản (xã Phước Hòa), ba má bị vỡ nợ từ việc nuôi tôm nên phải bỏ xứ đi làm ăn xa, gởi anh em Hàn cho ông bà ngoại ở thôn An Lợi (Phước Thắng). Ông bà cũng khó khăn nên vào năm học mới cũng chẳng sắm sửa được sách, bút, đồ dùng học tập cho các cháu đến lớp. Cô giáo Đoàn Thị Mỹ Hoa cho biết: “Ở đây, lớp nào cũng có vài học sinh thuộc diện hộ nghèo, nhiều em có nguy cơ bỏ học”.
Để đảm bảo việc huy động 100% trẻ đến trường và giữ vững sĩ số học sinh suốt năm học, Trường tiểu học số 2 xã Phước Thắng đã đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học. Ngay từ trong hè, địa phương và nhà trường đã phối hợp khảo sát hoàn cảnh của học sinh để có biện pháp hỗ trợ các em đến lớp. Vừa qua, trường đã trao 6 suất học bổng của Hội khuyến học các cấp và hỗ trợ vở, bút cho 25 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Nhờ đó, ngay từ ngày tựu trường đầu tiên, số học sinh đến lớp đã đạt 100%, đội ngũ giáo viên, nề nếp dạy và học đã ổn định, bài bản. “Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức ngày khai giảng 5.9 cho học sinh thật rộn rã, vui tươi để tạo khí thế thi đua học tập cho các em”- bà Tuyết cho biết.
Năm nay đã là năm thứ 5, học sinh Tuy Phước tựu trường trước ngày khai giảng (từ ngày 27.8). Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện: Số lượng học sinh các cấp tiếp tục giảm so với năm học trước. Trong đó, học sinh tiểu học giảm 547 HS (giảm 11 lớp) và giảm 448 HS THCS (giảm 19 lớp). Huyện cũng đã tiến hành biên chế trường, lớp sớm, điều tiết giáo viên, bổ nhiệm bổ sung ban giám hiệu cho các trường. Trước khai giảng, Tuy Phước đã đầu tư hơn 5 tỉ đồng, xây dựng được 36 phòng học cao tầng để chống xuống cấp cho các trường; sửa chữa 15 phòng học khác; mua sắm bàn ghế giáo viên và học sinh… đảm bảo các điều kiện tối thiểu cho học sinh bước vào năm học mới.
Không khí của ngày tựu trường tươi mới từ những tấm panô tuyên truyền về ngày toàn dân đưa trẻ đến trường tại các khu vực đông dân cư ở thị trấn Diêu Trì, thị trấn Tuy Phước, Cầu Gành (Phước Lộc), Gò Bồi (Phước Hòa)… đến vẻ mặt rạng rỡ của các học sinh tiểu học mà chúng tôi bắt gặp, trong giờ ra chơi. Ngay từ trước khai giảng, huyện đã tổ chức trao học bổng cho 32 học sinh giỏi, 4 giáo viên dạy giỏi và 150 suất hỗ trợ cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học trong toàn huyện. Ông Trần Hữu Tường, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Phước cho biết: “Năm học này, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường và khai giảng năm học mới 2007-2008” nên huyện đã huy động được 100% số trẻ trong độ tuổi ra lớp 1; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đã được tuyển vào lớp 6. Giáo viên các cấp cũng đã có đủ…”.
|