Hôm qua (5.9), cùng với cả nước, hơn 376 ngàn học sinh (HS) các cấp trong tỉnh đã bước vào năm học mới 2007-2008 - năm học mà ngành GD-ĐT đã đưa ra thông điệp: “Dạy thật, học thật, kết quả thật!” để tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động “2 không”(nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích) của ngành với 2 nội dung mới: Nói không với “ngồi nhầm lớp” và vi phạm đạo đức nhà giáo.
|
Lễ khai giảng năm học 2007-2008 tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Quy Nhơn). Ảnh: Đăng Huy
|
* Rộn ràng trong ngày hội
Hòa trong không khí tươi vui của ngày tựu trường, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các huyện, thành phố đã về dự khai giảng với giáo viên và học sinh nhiều trường phổ thông và mầm non trong tỉnh. Tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông Lê Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thân ái gởi đến các thầy cô giáo và HS của trường những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thêm một năm học nữa, ngôi trường đào tạo HS “mũi nhọn” của tỉnh tiếp tục gặt hái được những thành quả rất đẹp qua phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”: HS khá, giỏi tiếp tục tăng 8,95%. 122 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, 23 giải HS giỏi quốc gia; 164/206 HS đậu (nguyện vọng 1) vào các trường đại học lớn trong cả nước…
Năm học này, ngành GD-ĐT sẽ phải thực hiện sứ mệnh lịch sử hết sức quan trọng: tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa việc chống tiêu cực và bệnh thành tích trong ngành nhằm đưa chất lượng giáo dục đi vào thực chất và nâng cao chất lượng giáo dục. Phát biểu trong lễ khai giảng của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông Lê Hữu Lộc cũng đã đề nghị: “Mỗi thầy cô giáo cần không ngừng trau đồi đạo đức và nghiệp vụ sư phạm, luôn nêu tấm gương sáng cho HS và hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Các em HS hãy tiếp tục ra sức thi đua học tập và rèn luyện, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, phấn đấu trở thành HS giỏi toàn diện để tương lai cống hiến nhiều hơn sức lực và trí tuệ của mình cho đất nước”.
Tại các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa, không khí ngày khai giảng cũng rộn ràng, phấn khởi không kém. Hơn 1.000 HS dân tộc thiểu số ở huyện An Lão đến trường đã được nhà nước chăm lo sách, vở, bút, mực với kinh phí khoảng 220 triệu đồng. Huyện cũng đã xây dựng thêm được 7 trường mẫu giáo ở các xã đặc biệt khó khăn để tách HS mẫu giáo lâu nay vẫn còn phải học nhờ trường tiểu học. Ông Phan Tứ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng HS dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao thuộc xã An Toàn, An Dũng, An Vinh… đều đồng loạt tổ chức khai giảng cho HS trong khung cảnh trang trọng, vui tươi. Các đồng chí lãnh đạo huyện cũng đã có mặt tại nhiều trường để động viên các thầy giáo, cô giáo và HS thi đua học tốt, dạy tốt”.
Tại TP Quy Nhơn, trong ngày hôm qua, trên các đường phố, rợp trời bóng bay và cờ hoa. So với HS ở các vùng nông thôn, HS thành phố đến trường trông tươi sáng và rạng rỡ hơn trong những bộ đồng phục mới tinh. Điều kiện kinh tế- văn hóa phát triển hơn, bậc cha mẹ nào cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con em trong ngày hội khai trường. Chuẩn bị cho năm học mới, Quy Nhơn cũng đã đầu tư hơn 7 tỉ đồng xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa gần 50 phòng học, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học cho nhiều trường phổ thông. Đặc biệt, các phường, xã khó khăn như Phước Mỹ, Bùi Thị Xuân, Nhơn Hải, Nhơn Hội… đã được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm, từ đầu tư xây dựng thêm trường lớp, đến công tác chuyên môn, nhân sự… để nâng dần chất lượng giáo dục vùng ven lên so với khu vực nội thành.
* Dạy thật, học thật, kết quả thật
Theo số liệu của ngành GD-ĐT, năm học này, cả tỉnh đã có 376 ngàn HS các cấp bước vào năm học mới. Trong đó, mầm non có 49.343 em, tăng 1.255 em; HS tiểu học có 129.741 em, giảm 8.324 em; HS THCS có 134.199 em. giảm 3.516 em; HS THPT có 62.729 em, tăng 1.019 em. Nhìn chung, quy mô HS các cấp vẫn tiếp tục giảm nhưng nhu cầu về trường, lớp, giáo viên vẫn không ngừng tăng lên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục tỉnh nhà.
Chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD-ĐT đã xây dựng thêm và đưa vào sử dụng được 382 phòng học mới. Chỉ tính riêng việc đầu tư thêm cơ sở vật chất cho khối các trường THPT và trực thuộc, Sở GD-ĐT đã phải chi đến gần 30 tỉ đồng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, CNV các cấp hiện có khoảng 16 ngàn người. Trong năm học này, ngành sẽ tiếp tục tuyển thêm 616 giáo viên các cấp phục vụ cho việc tách trường, tăng lớp ở các địa phương.
Mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và mở rộng theo hướng đa dạng các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Năm nay, ngoài 174 trường mầm non; 246 trường tiểu học; 123 trường THCS, 48 trường THPT… ngành đã tiếp tục thành lập thêm nhiều trường mới trên cơ sở tách các trường có quy mô lớn và nhiều loại hình, mở thêm trường ở những vùng dân cư phát triển. Cụ thể, năm học này, huyện Phù Mỹ sẽ có thêm Trường THCS Mỹ Quang trên cơ sở tách HS cấp THCS của Trường PTTH số 1 Phù Mỹ; xã Mỹ Lợi và Thị trấn Bình Dương cũng sẽ có trường THCS trên cơ sở tách HS THCS của Trường PTTH số 2 Phù Mỹ … Huyện Tây Sơn sẽ có thêm Trường THCS Tây Bình; huyện An Lão có thêm trường THPT số 2 An Lão…
Khai giảng năm học mới 2007-2008, xã hội đã quan tâm và dành cho cán bộ, giáo viên, HS và ngành giáo dục nhiều ưu ái hơn. Nhân dịp lễ khai giảng, các hội, đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương và mạnh thường quân đã tổ chức nhiều hoạt động trao học bổng cho HS giỏi, HS nghèo vượt khó học giỏi, hỗ trợ HS có nguy cơ bỏ học đến trường. Hầu như, trường nào, địa phương nào cũng được nhận học bổng và tài trợ… tạo nhịp cầu liên kết bền chặt giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Tiêu biểu trong phong trào này phải kể đến hội khuyến học các cấp, các tổ chức từ thiện, các quỹ học bổng trong và ngoài nước, các ngân hàng, doanh nghiệp, Báo Thanh Niên… Chỉ tính riêng Hội Khuyến học tỉnh, trong dịp này đã tổ chức trao 736 suất học bổng, trị giá 268,6 triệu đồng cho các đối tượng HS các cấp trong tỉnh.
Cùng với việc nói không với bệnh thành tích, với tiêu cực trong thi cử, năm học này, ngành GD-ĐT đã tiếp tục mở rộng hơn cuộc vận động “2 không” với các nội dung mới: nói không với “ngồi nhầm lớp” và vi phạm đạo đức nghề giáo. Mặc dù những hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo ở tỉnh ta không nổi lên gây chấn động dư luận như các nơi khác, nhưng tình trạng một bộ phận giáo viên dạy học chưa hết trách nhiệm, còn xuê xoa, dễ dãi trong đánh giá chất lượng HS; giáo viên năng lực yếu kém chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy… ở khía cạnh nào đó, vẫn là những nhức nhối đòi hỏi ngành giáo dục phải có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh.
Năm học mới cán bộ, giáo viên, HS có thêm những niềm vui mới nhưng những công việc bộn bề, những bất cập, tồn tại trước mắt cũng đòi hỏi ngành phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Và dù khó khăn như thế nào thì “Dạy thật, học thật, kết quả thật!” cũng phải luôn song hành cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Xã hội luôn quan tâm và kỳ vọng.
|