Chuyện nuôi con học giỏi của chị Lúi
13:51', 8/9/ 2007 (GMT+7)

Chị Đinh Thị Lúi, 45 tuổi, ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận là một phụ nữ người dân tộc Ba na nhưng lại có nhận thức rất mới về chuyện học cái chữ. Bởi vậy, chị đã một mình “chạy đua” với cái nghèo để nuôi 7 người con ăn học đến nơi, đến chốn.

 

Các con chị Lúi chăm chỉ học tập, nhờ có mí luôn động viên, khuyến khích.

 

* Tảo tần nuôi con ăn học

Khi chúng tôi tìm đến làng Hòn Mẻ, trong làng đang có đám cưới. Chị Lúi cũng đang chuẩn bị quà để đi dự. Quà của chị là một rá gạo và 1 chai nước ngọt. “Mình nghèo mà, có gì góp vui nấy. Bà con trên này không bắt bẻ gì đâu!”. Chồng chị là anh Đinh Văn Thanh, cũng là người dân tộc Ba na. Anh Thanh là bệnh binh 61%, bị viêm đa khớp, thần kinh suy nhược, mắt yếu... Trước đây, do làm lụng quá vất vả nên anh đã qua đời năm 2003.

“Chồng mất, là giai đoạn khó khăn nhất mà mình đã trải qua. Thế nhưng, mình vẫn quyết tâm nuôi 7 đứa con đi học, không để cho đứa nào phải bỏ học hết”- chị Lúi tâm sự. Các con chị: Đinh Văn Giáo, vừa thi đại học nhưng chưa đậu; Đinh Văn Danh, năm nay chuẩn bị vào lớp 12; Đinh Văn Nọc, vào lớp 11; Đinh Văn Gió học lớp 9; Đinh Thị Diễm học lớp 9; Đinh Thị Dân  học lớp 6 và Đinh Thị Dung học lớp 3. Nói rồi, chị Lúi mở rương, lôi ra cho chúng tôi xem một xấp bằng khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học bổng “Trẻ em nghèo vượt khó học giỏi” của Quỹ Bảo trợ trẻ em... của các con chị.

Chị Lúi móm mém nhai trầu và cúi xuống nhổ toẹt bãi nước trầu xuống giữa các khe nứa trên nền nhà sàn, rồi nói một cách hài hước (người phụ nữ dân tộc Ba na này ăn nói khá rành rọt, khác hẳn với những phụ nữ dân tộc thiểu số khác mà tôi từng gặp): “Đứa nào đi học, năm nào cũng có giấy khen nhưng tôi thì “ốm” hết cả người!”.

Nhà chị có 5 sào ruộng nước, trồng lúa mỗi năm 1 vụ, do phụ thuộc nước trời. Không đủ gạo ăn nên phải làm thêm 2 ha rẫy trồng mì, mía, mỗi năm thu được 7-8 triệu đồng. Rồi nuôi heo, nuôi gà, nuôi bò, trồng rau… mà vẫn không đủ cái ăn cho lũ con đều đang ở tuổi ăn, tuổi học. “Mình vất vả lắm, đi rẫy cũng phải tranh thủ kiếm ít bó củi đem xuống thị trấn bán được ít đồng mua mắm ruốc, về hái lá giang nấu canh bậy bậy cho lũ nhỏ ăn. Các con mình tuy nghèo khổ nhưng đều ngoan và thương mẹ. Đi học một buổi, một buổi ở nhà đi chận bò, cắt cỏ giúp mẹ, nếu không mình chết “siếng” luôn!”- vừa kể, chị Lúi vừa chảy nước mắt.

Thế nhưng, ngay sau đó chị đã chuyển sang trạng thái vui vẻ, lạc quan. Chị chỉ xuống sàn nhà, chỗ mấy con heo cỏ đang nằm ngủ và cho biết, chị mới bán 4 con heo cỏ được 300 ngàn đồng để may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới chuẩn bị khai giảng năm học mới. Sách, vở đã có nhà nước lo, giày dép thì, chịu khó dùng đồ cũ vậy. Bao giờ bán được mì, chị sẽ mua cho mỗi đứa một đôi. Chị tính toán như vậy.

Tuy hoàn cảnh thật khó khăn, thu nhập thường xuyên của 1 phụ nữ và 7 người con không bao giờ được 200 ngàn đồng/tháng nhưng gia đình chị vẫn không có trong danh sách hộ nghèo, chỉ vì Ban quản lý làng thấy chị giỏi quá. Vẫn đủ khả năng nuôi con ăn học. Lúc chúng tôi trèo lên nhà sàn đã nhìn thấy mấy vuông gạch đỏ chót xếp ở ngoài sân. Chị Lúi đang chuẩn bị làm nhà. Cái nhà sàn cũ đã nát lắm rồi. Nhà tình nghĩa của nhà nước cất cho chồng chị thì bé bằng “lỗ mũi”, chỉ đủ để làm nơi học cho mấy đứa nhỏ. Vừa rồi, chị đã bán 5 con bò và dốc hết số tiền ky cóp trong nhiều năm, được 24 triệu đồng, đưa hết cho chủ thầu để xây cho chị cái nhà mới. “Phải xây thôi, không các con sẽ không  có chỗ để ở”, chị nói.

* Có cái chữ sẽ tiến bộ hơn

Vừa rồi, thằng con lớn không đậu đại học, cán bộ xã nói chị cho nó đi học cái lớp gì đó trong TP Hồ Chí Minh chỉ 2 năm thôi, rồi về làm tại xã nhưng phải mất 10 triệu đồng. 10 triệu đồng là số tiền quá lớn đối với chị. Thương mẹ, cậu con- Đinh Văn Giáo cho biết, cậu sẽ xung phong đi nghĩa vụ quân sự, để mẹ không phải lo lắng nhiều.

Cho con học xong rồi, “đau đầu” và lo nhất đối với chị Lúi là chuyện lo công ăn, việc làm cho các con. Mơ ước lớn nhất của chị là đứa nào ra trường cũng có việc, bất kể làm ở đâu, nhưng xem ra vẫn không dễ dàng chút nào, nhất là đối với một phụ nữ Ba na đơn thân như chị. Thế nhưng, thử bảo cho con nghỉ học bớt đi thì chị nhất định không chịu. Chị nói, bằng bất cứ giá nào chị cũng phải nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn.

“Hồi xưa, đi học phải trả tiền nên người Ba na như mình đều thất học hết. Nay, con cái mình đi học đã có nhà nước quan tâm, phải để cho nó học chứ. Có được cái chữ chúng nó sẽ tiến bộ hơn cha mí chúng ngày trước” - chị giải thích.

Sự tần tảo và giàu nghị lực của người phụ nữ Ba na nhỏ nhắn, đang bằng hết khả năng và sức lực của mình chống chọi với cái nghèo để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn của chị Lúi là tấm gương sáng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh. Vừa rồi, chị là một trong những đại diện của huyện được tham dự Đại hội “Biểu dương gia đình hiếu học toàn tỉnh lần thứ nhất” do Hội khuyến học tỉnh tổ chức.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều sinh viên mới nhập trường thiếu chỗ ở trong ký túc xá  (08/09/2007)
Nhiều cơ quan thực hiện làm việc ngày thứ Bảy  (08/09/2007)
Êm êm xe điện  (07/09/2007)
Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay HSSV là 23,22%  (07/09/2007)
Đại hội đại biểu lần thứ X và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba  (07/09/2007)
Thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp Quy Nhơn  (07/09/2007)
Đại lễ khánh thành Tổ đình Thiên Đức  (07/09/2007)
Doanh nghiệp “đỏ mắt”... tìm lao động  (06/09/2007)
Hình ảnh lớn từ những câu chuyện nhỏ  (06/09/2007)
Cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép trên tuyến đường ĐT 639  (06/09/2007)
Trao tặng phòng học tại điểm trường Cây Thẻ  (06/09/2007)
Trao học bổng cho học sinh nhân năm học mới  (06/09/2007)
Phát động cán bộ, công chức và người lao động đội mũ bảo hiểm  (06/09/2007)
Ban hành chế độ khuyến khích phát triển nhân lực có trình độ cao  (06/09/2007)
Khai trường cùng với “4 không”  (06/09/2007)