Tiếng chổi đêm
14:7', 8/9/ 2007 (GMT+7)

2 giờ 30. Giữa màn đêm vắng lặng, tôi bỗng nghe tiếng chổi quét đều đặn ngoài phố. Tiếng chổi khiến người nghe có cảm giác yên bình. Tuy nhiên, quét rác đêm là công việc chẳng phải bình yên...

 

Lặng lẽ đêm khuya. Ảnh: Phạm Đình Lê

 

* Hiểm nguy rình rập...

Đêm khuya, đường phố không một bóng người. Chị công nhân quét đường vẫn cặm cụi với công việc của mình trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Quy Nhơn). Chị nhỏ bé với bộ đồng phục lao động màu xanh đậm, thêm chiếc áo phản quang, chiếc mũ bảo hiểm chuyên dụng đội đầu và khẩu trang che mặt, thấp thoáng bên chiếc xe rác nặng trịch. Chị nhìn, nghi ngại khi tôi đến gần và chỉ cởi mở khi biết được ý định muốn tìm hiểu về công việc của chị. Chị cho biết tên là Hạnh của đội Môi trường I rồi tâm sự: “Chúng tôi đã quen với việc cảnh giác vì từng bị quậy phá nhiều. Những kẻ say rượu, côn đồ vẫn thường ủi xe vào xe rác, hăm dọa…”. Chị từng một phen hú vía khi đang quét rác trên đường thì mấy tên choai choai chạy lại đẩy xe rác của chị… lao thẳng vào nhà dân. “Cách tốt nhất để được yên bình là nhịn. Bọn chúng quậy phá, la hét một hồi sẽ chán và bỏ đi”, chị Hạnh nói.

Còn chị Thoa cũng là một công nhân quét rác thì kể: những kẻ say rượu cũng hay nhằm vào các chị và những chiếc xe rác để… ủi. Có khi đang mải miết với cây chổi, đống rác thì các chị lại bị tai họa từ những chiếc xe vô tình hay cố ý đâm vào người. Thỉnh thoảng lại gặp những tên có máu dê đi theo các chị để giở trò sàm sỡ. Với những trường hợp đó, chỉ có cách bỏ… xe chạy lấy người. Bởi mỗi người phụ trách một tuyến đường, đơn độc giữa đêm khuya thì biết kêu cứu ai?

Chúng tôi đem những tâm sự của các chị đến trò chuyện cùng ông Ngô Hoàng Nam, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn, thì được ông cho biết: “Ngoài việc  trang bị đồng phục, áo phản quang nhằm hạn chế tai nạn lao động, công ty cũng đã phối hợp với lực lượng công an phường, đội dân phòng giúp chị em công nhân phần nào yên tâm hơn khi làm việc ban đêm. Tuy nhiên, tự vệ vẫn là biện pháp chủ yếu”.

* ...và những chuyện buồn

Theo ông Ngô Hoàng Nam, hiện nay ý thức về vấn đề vệ sinh môi trường cũng như phép ứng xử của nhiều người dân đối với công nhân quét rác còn chưa tốt. Điều này làm cho công việc của họ đã vất vả, lại càng cơ cực hơn.

Một số người dân, ngoài việc vứt rác thải bừa bãi, đặc biệt là vứt rác ra những nơi công cộng còn đổ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định, hễ khi nào thấy tiện hoặc trong nhà có rác là ném ra đường…

Đội thu gom rác của thành phố hiện có 438 người, trong đó có đến hơn 2/3 là nữ. Đa số các chị không được học nghề, con đông, chồng không có việc làm ổn định. Và do vậy hầu hết đều nghèo khổ. Với mức thu nhập từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng hàng tháng, các chị phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.

Mỗi ngày các chị làm việc 2 ca, từ  2 giờ đến 6 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ. Lúc cao điểm (gió, bão) phải làm thêm ca 3.

Chị Trần Thị Xíu, một công nhân quét rác, kể: “Có khi chúng tôi vừa quét xong, đẩy xe đến chỗ khác thì bỗng từ trong nhà dân một bịch rác phóng ra, nằm ngay bên đường. Chúng tôi phải đẩy chiếc xe rác nặng trĩu vòng lại để gom mớ rác đó. Cũng có những người xả rác ngay giữa đường, buộc chúng tôi phải ra giữa đường để quét, rất dễ xảy ra tai nạn. Hay như có lần một chị trong đội đang làm việc dưới đường thì từ trên tầng cao của một tòa nhà nước trong bình cắm hoa lâu ngày đã hôi thối trút xuống đầu…”.

Chị Lắm, công nhân quét rác ở phường Lý Thường Kiệt bùi ngùi tâm sự: “Có khi chiếc xe rác ở ngay trước mặt, vậy mà có người đành lòng trút xô rác xuống mặt đường, rồi bảo mình hãy hốt lên xe! Những lúc đó sao tui thấy nghẹn ngào, tủi thân quá. Mình cũng làm lao động chân chính mà sao người ta coi thường… Một số người cho rằng họ có xả rác ra thì chúng tôi mới có công việc để làm!”.

Có chứng kiến cảnh những công nhân phải nhọc nhằn quét từng mét đường giữa đêm vắng, sau đó hì hục đẩy chiếc xe rác đầy ắp, cao ngất ngưởng đến điểm tập kết,  rồi tự mình xúc từng mớ rác chuyển lên xe lớn mới thấy cảm thông nỗi cực nhọc của họ. Mùa mưa thì công việc càng cực hơn gấp nhiều lần, vừa dầm mưa ướt át vừa xử lý những đống rác bét nhè, rã rượi nước.

“Làm cực khổ mấy cũng chịu được nhưng bị một số người coi thường, khinh rẻ nghĩ mà buồn và tủi thân lắm… Chúng tôi chỉ mong sao mọi người có ý thức hơn, đổ rác đúng nơi, đúng giờ…” đó là suy nghĩ chung của mọi công nhân quét rác.

  • Nguyễn Xuân Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện nuôi con học giỏi của chị Lúi  (08/09/2007)
Nhiều sinh viên mới nhập trường thiếu chỗ ở trong ký túc xá  (08/09/2007)
Nhiều cơ quan thực hiện làm việc ngày thứ Bảy  (08/09/2007)
Êm êm xe điện  (07/09/2007)
Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay HSSV là 23,22%  (07/09/2007)
Đại hội đại biểu lần thứ X và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba  (07/09/2007)
Thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp Quy Nhơn  (07/09/2007)
Đại lễ khánh thành Tổ đình Thiên Đức  (07/09/2007)
Doanh nghiệp “đỏ mắt”... tìm lao động  (06/09/2007)
Hình ảnh lớn từ những câu chuyện nhỏ  (06/09/2007)
Cưỡng chế các trường hợp xây dựng trái phép trên tuyến đường ĐT 639  (06/09/2007)
Trao tặng phòng học tại điểm trường Cây Thẻ  (06/09/2007)
Trao học bổng cho học sinh nhân năm học mới  (06/09/2007)
Phát động cán bộ, công chức và người lao động đội mũ bảo hiểm  (06/09/2007)
Ban hành chế độ khuyến khích phát triển nhân lực có trình độ cao  (06/09/2007)