Hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ (HLATGTĐB) ở tỉnh Bình Định ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các tuyến tỉnh lộ. Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý chưa được triển khai một cách đồng bộ và triệt để…
|
Đường ĐT 639 đoạn đi qua xã Cát Tiến (Phù Cát) - nhà và đường không còn ranh giới. Ảnh: N.T
|
* Vi phạm tràn lan
Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Định đã tích cực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, kiên cố hóa nhiều tuyến đường giao thông, phục vụ tốt việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cùng với việc đường sá ngày càng tốt thì nạn lấn chiếm, xây cất trái phép nhà ở, lều quán trong HLATGTĐB cũng ngày một gia tăng.
Hiện nay, trên các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, nhiều đoạn đã hình thành hẳn một khu dân cư đông đúc và nhà nào cũng đều vươn ra mặt đường. Không chỉ những công trình tồn tại từ trước mà có nhiều công trình vừa mới xây dựng cũng lấn vào HLATGT. Chỉ tính từ cuối năm 2004 đến nay, riêng các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã có đến 495 trường hợp vi phạm HLATGTĐB. Trong đó có gần một nửa là công trình kiên cố và bán kiên cố.
Điển hình là đường ĐT 639 (đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan). Mặc dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9.2005, nhưng hiện nay tuyến đường này đã có đến 160 trường hợp lấn chiếm HLATGTĐB để làm lều quán, cơi nới nhà cửa, xây dựng tường rào, cổng ngõ… làm che khuất tầm nhìn, hạn chế sự thông thoáng của tuyến đường. Trong khi đó, tuyến đường này là mạch giao thông chính nối liền các xã biển từ Quy Nhơn đến Hoài Nhơn, lưu lượng người và xe cộ qua lại ngày càng đông đúc, nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông là rất lớn.
Không riêng gì tuyến ĐT 639, HLATGTĐB ở nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh cũng bị xâm phạm. Tuyến ĐT 629 (Bồng Sơn đi An Lão) từ năm 2005 đến nay có đến 63 trường hợp vi phạm. Các tuyến khác như: ĐT 640 từ cầu Ông Đô (Tuy Phước) đi Cách Thử (Phù Cát) có 20 trường hợp vi phạm; ĐT 636 từ Gò Găng (An Nhơn) đi Kiên Mỹ (Tây Sơn) có 25 trường hợp; ĐT 636 B từ thị trấn Bình Định (An Nhơn) đi Lai Nghi (Tây Sơn) cũng có hơn 20 trường hợp vi phạm… Điều đáng nói là số trường hợp vi phạm HLATGTĐB không dừng lại mà có xu hướng ngày một gia tăng.
* Vì sao chưa xử lý dứt điểm ?
Để làm tốt công tác quản lý HLATGTĐB, trong những năm qua ngành Giao thông tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ HLATGTĐB đối với nhân dân cư ngụ bên các tuyến tỉnh lộ, vận động người dân ký cam kết bảo vệ HLATGT đường bộ. Đến nay, đã có 12.000 hộ dân nằm dọc các tuyến tỉnh lộ ký cam kết, với các nội dung: không được xâm hại HLATGTĐB; không được phơi rơm, lúa trên lòng, lề đường… Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả của việc ký cam kết này vẫn chỉ mới dừng lại ở mức “hạn chế vi phạm” chứ chưa chấm dứt vi phạm.
Có thể thấy rằng, ngoài năng lực và mức độ tích cực của lực lượng thanh tra giao thông (TTGT), sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương là yếu tố mang tính quyết định để chấm dứt tình trạng vi phạm HLATGTĐB. Bởi trên “dải đất” hành lang thường xuyên bị xâm hại ấy có quá nhiều “cơ chế” bất cập, đường là do ngành Giao thông quản lý, đất và dân là do địa phương quản lý, đã tạo ra hiện tượng… mạnh ai nấy làm.
Có không ít công trình xây dựng trong HLATGTĐB được cơ quan chức năng địa phương cấp giấy phép xây dựng đàng hoàng. Với những trường hợp này thì TTGT có đến lập biên bản xử lý cũng không giải quyết được gì. Không ít trường hợp vi phạm, khi mới “khởi công”, TTGT phát hiện lập biên bản, nhưng chờ cho đến khi cấp có thẩm quyền địa phương “ra tay” thì công trình đã làm xong. Đó là chưa kể có địa phương không “mặn mà” trong việc phối hợp xử lý vì ngại va chạm với dân. Do vậy, từ năm 2005 đến nay, trong tổng số 495 trường hợp vi phạm, các ngành chức năng và chính quyền địa phương chỉ mới xử lý được 96 trường hợp.
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh cũng như hạn chế tai nạn giao thông, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc quản lý, bảo vệ công trình giao thông và HLATGTĐB. Theo đó, UBND tỉnh giao ngành Giao thông phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành rà soát và có biện pháp xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Hy vọng rằng, trong thời gian đến công tác quản lý và bảo vệ HLATGT ĐB trên địa bàn tỉnh Bình Định sẽ được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả hơn.
Ông TRẦN ĐÌNH TÂM, Chủ tịch UBND huyện An Nhơn: Nguyên nhân gia tăng các trường hợp lấn chiếm HLATGTĐB là do ý thức của người dân chưa cao. Nhiều người còn có tư tưởng cứ xây dựng nhà kiên cố, Nhà nước sẽ không thể dỡ bỏ, hoặc có giải tỏa thì sẽ bồi thường. Trong khi đó, chính quyền xã thiếu trách nhiệm, không kiên quyết xử lý ngay từ đầu, nên đã dẫn đến vi phạm dây chuyền, người sau cứ theo người trước mà làm. Hiện nay huyện An Nhơn đã chỉ đạo cụ thể và yêu cầu các xã phải xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, nếu làm không tốt thì lãnh đạo xã phải chịu kỷ luật.
Ông NGUYỄN QUẢ - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT: Việc ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm HLATGTĐB là vấn đề rất khó khăn, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để làm tốt được việc này, cần có sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương; từ việc tuyên truyền, vận động, ngăn chặn vi phạm ngay từ đầu, đến việc giải tỏa các công trình vi phạm…
Nhưng hiện nay nhiều địa phương còn ngại trong việc tiến hành ngăn chặn, cưỡng chế những hộ vi phạm, do nể nang tình làng nghĩa xóm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đang phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành thống kê, vận động các hộ vi phạm tự tháo dỡ, nếu trường hợp nào chây ì thì sẽ cương quyết cưỡng chế, tháo dỡ. |
|