“Hậu trái tuyến” ở Quy Nhơn
10:32', 11/9/ 2007 (GMT+7)

Năm học 2007-2008, TP Quy Nhơn đã không cho phép các trường của thành phố thu nhận học sinh khác phường (trái tuyến). Quy định mới này, xem ra vẫn không ảnh hưởng lớn đến các trường có thu tiền trái tuyến trước đây. Nhưng, không ít phụ huynh vẫn tìm cách “chạy…” để lách quy định này.

 

Năm học này, chỉ duy nhất trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn được phép thu HS khác phường.

 

* Các trường vẫn... ổn

Trường tiểu học Lý Thường Kiệt năm học này chỉ có 90 HS vào lớp 1 (3 lớp) giảm hơn năm ngoái 45 HS (4 lớp), chủ yếu là do không thu nhận HS khác phường. Trong số 20 giáo viên của trường, năm học này lại có 1 giáo viên nghỉ sinh. Vậy là, trước mắt trường vẫn không dôi dư giáo viên. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho tương lai lâu dài, trường đã xin tách lớp ở khối 4 (160 HS, 4 lớp) để đảm bảo chuẩn 35 HS/lớp.

Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, nằm ở phường Trần Hưng Đạo, nguyên gốc là Trường Thực nghiệm giáo dục phổ thông của TP Quy Nhơn. Do đó, HS của trường vốn đã là HS từ nhiều phường trong thành phố. Bên cạnh Trường Trần Quốc Tuấn, phường Trần Hưng Đạo còn có Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Bởi vậy, để đảm bảo việc tuyển sinh của trường, TP Quy Nhơn cho phép Trường Trần Quốc Tuấn được thu thêm 110 HS khác phường, ngoài 62 HS của các khu vực 3,4,5,8 của phường Trần Hưng Đạo.

Trường THCS Lê Hồng Phong các năm trước cũng là trường nhận nhiều HS khác phường nhất. Bình quân, mỗi năm trường nhận từ 130-140 HS khác phường. Nhờ quy định của thành phố: HS khác phường từ trường tiểu học được chuyển lên lớp 6 của trường THCS cùng phường, nên 99 HS khác phường từ Trường tiểu học Lê Hồng Phong vẫn tiếp tục được tuyển lên lớp 6 Trường THCS Lê Hồng Phong trong năm học này, nên trường cũng chỉ giảm có 1 lớp 6.

Trường THCS Lương Thế Vinh năm ngoái có 224 HS lớp 6 (110 HS khác phường) năm  nay chỉ còn 160 HS (4 lớp), giảm 2 lớp so với năm ngoái. Tuy nhiên, ông Nguyễn Cao Sơn- Hiệu trưởng trường, cho rằng: “Trên tổng thể thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều, bởi trường có 1 giáo viên nghỉ hưu, số giáo viên ở các phòng bộ môn vẫn đang thiếu…”.

Ông Phan Văn Chung, Trưởng phòng GD-ĐT Quy Nhơn cũng nhận định: “Tuy không tuyển HS trái tuyến nhưng nhìn chung, các trường có tuyển trái tuyến trước kia vẫn ổn định. Công tác quản lý, điều hành của nhà trường có phần thuận lợi hơn”.

 

4 phòng học 2 tầng của trường THCS Lê Hồng Phong được xây dựng từ nguồn thu “trái tuyến”.

 

* Bức xúc mô hình trường bán trú chất lượng cao

Từ năm học 2003- 2004, để giảm áp lực tuyển sinh, đồng thời huy động nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân, thành phố Quy Nhơn đã ban hành mức huy động đối với HS khác phường ở 5 trường tiểu học và 4 trường THCS trên địa bàn. Nhờ đó, trong 4 năm qua, thành phố đã huy động được gần 6 tỉ đồng để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường trên địa bàn thành phố. Mới đây, để phù hợp với quy định của nhà nước, UBND tỉnh đã có tờ trình về việc ban hành khoản thu huy động đối với HS khác phường trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, tờ trình chưa được HĐND tỉnh thông qua.

Theo ông Phan Văn Chung, việc huy động trái tuyến dù sao cũng chỉ là một giải pháp tạm thời. Bởi hiện nay, phường nào cũng có trường tiểu học, THCS đảm bảo việc thu nhận HS trong phường. Không tuyển trái tuyến, việc quản lý HS của các trường, các địa phương cũng thuận lợi hơn. Ông  Đặng Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong - trường có gần 1/2 số HS trong trường là ở các phường ngoài, cũng cho rằng: “Không tuyển trái tuyến HS ít hơn, công tác quản lý sẽ tốt hơn…”.

Trong những năm qua, bên cạnh những cái được của thu trái tuyến, những mặt hạn chế cũng đã bộc lộ. Đó là tình trạng “nước chảy chỗ trũng”- HS, đặc biệt là HS khá, giỏi, được gia đình quan tâm “đầu tư” cho chuyện học từ các trường khác bị hút về các trường có thu trái tuyến khá nhiều, gây khó khăn cho một số trường tiểu học trong công tác tuyển sinh; việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học giữa các trường cũng có sự chênh lệch…

Anh N.N.D ở phường Ngô Mây có con năm nay học lớp 6. Tuy nhiên, anh không muốn để con vào lớp 6 Trường THCS Ngô Mây vì nhiều lý do, chẳng hạn như môi trường học tập ở đây không tốt, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của cháu. Bởi vậy, anh vẫn hy vọng được đóng tiền trái tuyến để chuyển con đến học tại một trường thuận lợi hơn. Tâm trạng của anh D. cũng là tâm trạng chung của rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gởi con trái tuyến khác. Thế nhưng, anh D. đành phải chấp nhận chủ trương chung của thành phố, vì… không thể khác. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh HS lại không chịu chấp nhận như vậy. Theo một số hiệu trưởng ở các trường có nhận HS trái tuyến, hiện tượng phụ huynh HS “chạy” hộ khẩu vẫn còn nhiều. Trường THCS Lê Hồng Phong năm nay có 22 trường hợp chuyển trường do có hộ khẩu đã được chuyển về phường Lê Hồng Phong…

Nhu cầu cho con vào học trường có bán trú, trường có chất lượng tốt hơn, của một bộ phận phụ huynh HS có điều kiện đang tạo ra “sức ép” đối với ngành giáo dục thành phố. Một mô hình trường bán trú chất lượng cao sẽ là “cứu cánh” để tạo sự công bằng cho công tác tuyển sinh của một số trường trong thời điểm hiện nay.

  • N.Q
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
22 phạm nhân được giảm thời gian chấp hành hình phạt  (11/09/2007)
Nông dân đóng góp trên 60 tỉ đồng xây dựng giao thông nông thôn  (11/09/2007)
Một hình thức tuyên truyền sinh động về ATGT  (10/09/2007)
Sử dụng 100% cho công tác đảm bảo TTATGT  (10/09/2007)
Ngày càng diễn biến phức tạp  (10/09/2007)
545 hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất  (10/09/2007)
Khánh thành khu chứng tích Tân Giản  (10/09/2007)
Tiếng chổi đêm  (08/09/2007)
Chuyện nuôi con học giỏi của chị Lúi  (08/09/2007)
Nhiều sinh viên mới nhập trường thiếu chỗ ở trong ký túc xá  (08/09/2007)
Nhiều cơ quan thực hiện làm việc ngày thứ Bảy  (08/09/2007)
Êm êm xe điện  (07/09/2007)
Tỷ lệ nợ quá hạn cho vay HSSV là 23,22%  (07/09/2007)
Đại hội đại biểu lần thứ X và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba  (07/09/2007)
Thành lập Trung tâm Giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp Quy Nhơn  (07/09/2007)