Cuộc đời Bác Hồ là một mẫu mực về tự rèn luyện. Bác đã làm thơ nói rõ con người tốt hay xấu là do rèn luyện mà nên. Từ tuổi học trò, đến lúc trở thành Chủ tịch nước, Bác không ngừng đấu tranh gian khổ, vươn lên tự hoàn thiện mình. Mỗi hành vi của mình, Bác như đã hóa thân trong quảng đại quần chúng. Muốn đạt tới sự hoàn thiện đó phải dày công khổ luyện, khổ luyện đến mức thành nếp sống, thành thói quen.
Bác nói thật chí lý: “Việc gì trong đời sống cũng khó khăn cả, vì chưa thành thói quen khi đã có thói quen thì việc gì cũng không khó”. Bác có kiến thức uyên Bác, kết tinh trí tuệ Đông Tây kim cổ là nhờ công khổ luyện. Bác hoàn thiện nhân cách của mình, tự tại, hòa mình, lịch sự, ân cần, nồng nhiệt tạo nên sức mạnh cảm hóa mọi nhân cách cũng do rèn luyện mà nên.
Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, vừa lao động kiếm sống, vừa tìm mọi cách để học tập, Bác tận dụng công việc để có thể học được, nhất là học tiếng nước ngoài.
Thời gian bị giam giữ ở nhà tù của Tưởng Giới Thạch, chế độ lao tù hà khắc khiến nhiều đồng chí sức lực tuổi trẻ cũng phải bỏ mạng. Bác sống được là nhờ ý chí rèn luyện thân thể.
Trên cương vị cao nhất của Đảng, của Nhà nước, dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn không ngừng học tập đọc thêm nhiều tài liệu, sách báo trong nước và nước ngoài. Bác rèn luyện để có thói quen làm việc khoa học.
Nước nhà mới được độc lập, công việc nhiều, Bác sắp xếp thời gian hợp lý nên công việc bảo đảm đúng thời gian đặt ra. Bác vẫn dành thời gian để gặp mặt, tiếp xúc với đồng bào, các đoàn thể, vẫn có phút giây thanh thản thả tâm hồn với những vần thơ…
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Bác đi nhiều nên rèn luyện cho mình một sức khỏe dẻo dai, nhanh nhẹn. Hàng ngày Bác dành thời gian nghỉ ngơi, đi bách bộ. Những năm cuối đời, chân bị tê thấp, Bác tập đi từng bước, đến một ghế đá Bác nghỉ tạm bằng cách ngồi tọa tĩnh tập khí công, rồi lại từng bước đi tiếp…
Tấm gương tự rèn luyện của Bác Hồ là một mẫu mực cho chúng ta học tập và noi theo.
|