Kết quả điều tra thực trạng việc làm và thất nghiệp năm 2007 cho thấy: tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,91%, giảm 0,20% so với năm 2006. Tuy nhiên việc đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra khá nhanh, dẫn đến số người thất nghiệp ở thành thị cũng tăng theo…
|
Nhiều thanh niên ở thành thị thất nghiệp chỉ biết tụ tập ở các quán cà phê cho hết thời gian. Ảnh: Văn Lưu
|
* Thất nghiệp do đô thị hóa
Theo thống kê sơ bộ tại hai địa phương là TP Quy Nhơn và huyện An Nhơn, nơi có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chuyển sang mục đích khác tương đối nhiều, nên số nông dân không có việc làm cũng tăng theo. Trong vòng 3-4 năm trở lại đây, một số phường như: Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu… (TP Quy Nhơn) sự đô thị hóa diễn ra khá nhanh, kéo theo hàng loạt người dân không còn đất sản xuất, phải chịu cảnh thất nghiệp.
Ông Trần Duy Thứ, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), nói: “Nhờ đô thị hóa mà bộ mặt của phường có nhiều đổi thay đáng mừng. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nỗi lo thiếu việc làm, thất nghiệp của người dân trong phường cũng tăng theo. Sắp đến một loạt dự án khác hình thành tại phường, nhiều diện tích đất sản xuất tiếp tục bị thu hẹp, thêm nhiều hộ dân mất việc làm, rơi vào cảnh thất nghiệp”.
Những gì diễn ra ở phường Nhơn Bình cũng là tình trạng chung đang diễn ra ở những nơi có sự đô thị hóa.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo điều tra thực trạng việc làm của tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở thành thị. Đó là một số dự án đã ngốn diện tích đất sản xuất khá lớn. Nhiều lao động nằm trong diện mất đất sản xuất đã quá tuổi để đào tạo nghề, xin việc làm và xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, không ít người dân sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa xong chỉ lo mua sắm xe máy, xây dựng lại nhà cửa, không chịu học nghề để tìm việc làm… Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng ngại tuyển dụng lao động là người địa phương, nhất là lao động ở thành thị. Chủ một doanh nghiệp chế biến gỗ ở KCN Phú Tài, cho biết: “Nhận lao động ở thành thị có cái lợi là gần nhà máy, nhưng ngược lại vì ỷ gần nhà mà các lao động này thường gây gổ, đánh nhau. Thậm chí do công việc cực nhọc nên lao động ở thành thị xin vào làm chừng 5 đến 10 ngày là bỏ việc”.
Một nguyên nhân nữa phát sinh thất nghiệp ở thành thị là xuất phát từ cơ cấu đào tạo “thầy nhiều hơn thợ”. Đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật còn nhiều bất cập so với yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều thanh niên ở thành thị từ lâu đã có thói quen đề cao việc học để “làm thầy” mặc dù nếu bản thân học “làm thợ” sẽ tốt hơn hay thích làm việc ở cơ quan nhà nước, không thích làm cho tư nhân. Mặt khác, một bộ phận lao động trẻ ở thành thị có biểu hiện ngộ nhận khả năng bản thân hoặc tự ti, không đánh giá hết năng lực thực sự của mình. Rất nhiều lao động trẻ ở thành thị thường “nhảy việc” để tìm kiếm thu nhập cao nên dẫn đến tình trạng dễ bị mất việc…
|
Đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hẹp nên người dân mất việc làm. Ảnh: N. Phúc
|
* Để giảm thất nghiệp?
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB-XH), tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ như vậy song tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị vẫn duy trì mức dưới 5% là ít. Tuy nhiên điều đáng lo là đội ngũ thất nghiệp là nông dân ở khu vực thành thị sẽ càng đông thêm.
Vì vậy, để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, trước hết cần phải phát triển đa dạng hơn nữa các ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ… Nhà nước cần có sự đầu tư và phát triển nhiều hơn các khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên cho những doanh nghiệp sử dụng lao động tại địa phương, nhất là số hộ dân bị mất đất sản xuất. Phát triển nhiều ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu của người dân…
Điều quan trọng hơn hết để giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, việc làm ở khu vực thành thị nói riêng là sự năng động của mỗi địa phương và của mỗi người dân, không thể giao phó hoàn toàn cho chính quyền các cấp. Có như vậy, tình trạng thất nghiệp ở khu vực thành thị cũng như cả tỉnh mới có thể giảm được đáng kể.
|